Biểu tình bạo loạn ở Pháp: Nhượng bộ thôi là chưa đủ
- Cảnh sát Pháp gây sốt vì "cử chỉ lạ" với phe áo vàng giữa làn sóng biểu tình
- Paris hoa lệ trông như "bãi chiến trường" vì biểu tình bạo loạn
- Cảnh sát Pháp "mệt" với người biểu tình
Trong bối cảnh cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao của những người “áo gile vàng” leo thang thành cuộc bạo loạn nghiêm trọng nhất nhiều thập kỷ qua, Chính phủ Pháp mới đây buộc phải công bố một loạt biện pháp nhượng bộ để xoa dịu tình thế.
Bloomberg ngày 5-12 cho biết, các biện pháp nhượng bộ được đích thân Thủ tướng Pháp Edouard Philippe công bố trước đó một ngày bao gồm việc hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng; ngừng tăng giá khí đốt và điện trong 3 tháng bắt đầu từ ngày 1-1-2019; và dừng việc thắt chặt các tiêu chuẩn đánh giá ôtô để xử phạt phương tiện cũ gây ô nhiễm nặng tới giữa năm sau.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Ảnh: ITN |
Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Philippe khẳng định chính phủ sẽ “không để việc tăng thuế nhiên liệu đẩy sự đoàn kết dân tộc vào thế nguy hiểm”, đồng thời cam kết sớm tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ nhóm người lao động thu nhập không cao nhưng phụ thuộc vào các phương tiện giao thông cá nhân – nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá nhiên liệu “phi mã”.
“Áo gile vàng”, họ là ai?
Cách đây 6 tháng, một người phụ nữ tên Priscillia Ludosky, chuyên kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến và sống ở ngoại ô Paris, đăng tải trên mạng một lá thư kêu gọi chính phủ Pháp giảm giá xăng dầu. Người phụ nữ này đã tính toán chi tiết các yếu tố cấu thành giá xăng ở Pháp và nhận ra rằng các khoản thuế chiếm tới hơn một nửa.
Ban đầu, lá thư của cô Priscillia Ludosky không nhận được hưởng ứng của bất kì ai. Nhiều người còn xem động thái của Ludosky là kì quặc. Tuy nhiên, đến tháng 10, khi Chính phủ Pháp tiếp tục công bố kế hoạch tăng thuế, một tài xế xe tải có tên Éric Drouet đã vô tình đọc lại được lá thư và chia sẻ với bạn bè trên Facebook.
Cô Priscillia Ludosky. Ảnh: France24 |
Lần này, lá thư đã không bị lãng quên : Hàng trăm ngàn người dân Pháp trên mạng xã hội đã kêu gọi nhau ký vào lá thư đề nghị của Ludosky. Ngay lập tức, báo chí Pháp đã vào cuộc, tạo ra một làn sóng khổng lồ trong lòng nước Pháp.
Tới ngày 17-11, chính Éric Drouet đã quyết định tổ chức một cuộc biểu tình của các tài xế để đề nghị chính phủ hạ giá xăng, phong trào này đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Họ mang theo mình chiếc áo gile màu vàng, chiếc áo khoác có màu hiển thị cao, mà tất cả những người lái xe ở Pháp đều mang theo và phải sử dụng trong một số trường hợp nhất định.
Ban đầu, phong trào chỉ đơn giản là nêu bật những chật vật về chi tiêu của các gia đình với chính sách thuế nhiên liệu của ông Macron. Tuy nhiên, trong ba tuần qua, phong trào đã phát triển thành một cuộc nổi dậy chống Tổng thống Pháp Macron lan rộng, với nhiều người chỉ trích tổng thống vì đã theo đuổi chính sách mà họ nói là ủng hộ cho người giàu và không có ích gì cho người nghèo. Những người cực đoan hơn thậm chí cho rằng các chính sách cải cách mà Tổng thống Pháp Macron tiến hành là sai lầm và kêu gọi ông Macron phải ra đi.
Nhượng bộ thôi là chưa đủ
Các nhượng bộ vừa công bố được xem là thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Pháp. Cách đây không lâu, Tổng thống nước này Emmanuel Macron tuyên bố rằng, không giống các lãnh đạo Pháp trước đây, ông sẽ không bị ép buộc phải thay đổi chính sách vì những phong trào đường phố quy mô lớn.
Trong khi đó, chính Thủ tướng Philippe cũng nói rằng chính phủ sẽ không rút lại quyết định tăng thuế nhiên liệu, bất chấp sự phản đối.
Người biểu tình đốt đồ đạc gần Khải Hoàn Môn. Ảnh: Washington Post |
Sau khi quyết định nhượng bộ của chính quyền ở Paris được công bố, một số nhóm biểu tình đã thể hiện sự hài lòng khi nguyện vọng của họ được đáp ứng, đồng thời dỡ bỏ nhiều rào chắn trên đường phố được lập lên cách đây vài tuần.
Tuy nhiên, nhiều nhóm biểu tình khác tuyên bố họ sẽ không dừng lại đến khi nào nhận được một cam kết lâu dài hơn từ chính phủ, và rằng việc tạm hoãn tăng giá xăng dầu không phải một biện pháp có thể chấp nhận được. "Chính phủ đang cố gắng ru ngủ chúng tôi", Lionel Rambeaux, thợ hàn 41 tuổi nói với truyền thông.
“Chúng tôi không muốn tạm dừng (tăng thuế), chúng tôi muốn việc tăng thuế xăng dầu phải được hủy bỏ ngay lập tức”, RT dẫn lời ông Benjamin Cauchy, một trong những người phát động chiến dịch biểu tình, tuyên bố. Ông Cauchy cũng nói rằng nhóm của ông sẽ tiếp tục xuống đường vào thứ 7 tới để biểu tình phản đối.
Sẽ không đơn giản cho Chính phủ Pháp để người dân "từ bỏ" chiếc áo gile vàng. Ảnh: ITN |
Tờ Politico nhận định, việc rút lại quyết định tăng thuế cho thấy Chính phủ Pháp sẵn sàng lắng nghe người dân và thay đổi, nhưng rõ ràng các biện pháp nhượng bộ hiện tại chỉ mang tính tình thế và rất khó được toàn bộ phe biểu tình chấp thuận. Đi cùng với quyết định hoãn tăng thuế của chính phủ, một số quan chức Pháp đã phát đi tín hiệu rằng mức lương tối thiểu ở nước này có thể sắp tăng.
Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận chính thức. Cũng trong thông báo mới nhất trước người dân, Thủ tướng Pháp Philippe đã cảnh báo rằng người Pháp “không thể vừa có được các dịch vụ công cộng tốt hơn vừa đóng thuế ít hơn”, và bởi vậy, sự nhượng bộ phải đến từ cả hai phía.