Cảnh sát Pháp "mệt" với người biểu tình

Chủ Nhật, 02/12/2018, 12:48
Cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng và bắn đạn hơi cay vào dòng người biểu tình, khi bạo loạn nổ ra trên đại lộ Champs Elysees từ trưa 24-11. Đến cuối ngày 24-11, 35 người quá khích đã bị bắt, trong đó 18 người ở Paris. 


Theo hãng AFP, khoảng 5.000 người biểu tình mặc áo vàng đã tụ tập tại đại lộ Champs Elysees, để phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu của Tổng thống Emmanuel Macron, và họ yêu cầu ông chủ điện Elysee từ chức, đồng thời ném lựu đạn khói vào cảnh sát ở thủ đô Paris. 

Theo giới truyền thông, khoảng 81.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp, nhưng con số này ít hơn nhiều so với 244.000 người được huy động trước đó 1 tuần. Các cuộc bạo động đã khiến 2 người chết, 620 dân thường và 136 cảnh sát, hiến binh bị thương. 

Cảnh sát Pháp và người biểu tình.

Và những cuộc biểu tình nổ ra sau khi giá dầu diesel tại Pháp tăng khoảng 23% trong năm nay, trong khi giá xăng tăng 15% và dự kiến giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong tháng 1-2019. Theo chủ trương của Tổng thống Emmanuel Macron, việc tăng thuế nhiên liệu nhằm khuyến khích người tiêu dùng Pháp chuyển sang phương tiện thân thiện với môi trường, nhưng đã vấp phải sự phản đối của người dân.

Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết, ngoài thủ đô Paris, đã có tổng cộng 23.000 người xuống đường biểu tình hôm 24-11 để bày tỏ sự bất mãn. Đồng thời khẳng định, sẽ sử dụng những biện pháp cứng rắn để đối phó với những đám đông biểu tình bất hợp pháp. 

Ngoài ra, ông Christophe Castaner còn cáo buộc bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu, đã khuyến khích người biểu tình cực đoan tập trung tại Champs Elysees. Trong khi đó, bà Marine Le Pen lại đổ lỗi cho Chính phủ về tình trạng bạo lực bùng phát trong cuộc biểu tình ở Paris. Trả lời phỏng vấn đài truyền hình BFMTV, bà Marine Le Pen cho rằng, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner phải chịu trách nhiệm vì cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn. 

Đồng thời phủ nhận đã kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình trên đại lộ Champs Elysees như cáo buộc của Bộ trưởng Christophe Castaner. Theo giới truyền thông, vì lý do an ninh nên chính quyền thành phố Paris đã cấm cuộc tập hợp ở Quảng trường Concorde, nơi có hơn 36.000 người trên Facebook tuyên bố sẽ tham gia biểu tình, đề nghị họ đến khu Champs de Mars gần Tháp Eiffel, nhưng người biểu tình từ chối địa điểm này. 

Sau đó, họ quyết định tập hợp tại đại lộ Champs Elysees hôm 24-11. Cảnh sát trưởng thủ đô Paris Michel Delpuech đã điều 3.000 cảnh sát cùng với máy bay trực thăng để bảo đảm an ninh khu vực chung quanh Điện Elysee, cùng một đoạn của đại lộ Champs Elysees, Quảng trường Concorde, và tòa nhà Quốc hội. Bầu không khí trở nên căng thẳng khi người biểu tình xô đổ các thanh chắn và vật dụng trên đường phố để dựng một rào cản ở giữa đại lộ Champs Elysees.

Khoảng 5.000 cảnh sát và hiến binh quốc gia đã được huy động tại trung tâm thủ đô để đảm bảo trật tự, nhưng bạo lực vẫn bùng phát giữa những người biểu tình với lực lượng cảnh sát. Ngoài việc xung đột với cảnh sát, người biểu tình quá khích còn đập phá các cửa hàng và công trình công cộng trên đường phố Paris, cũng như đốt phá nhiều tài sản công, xe hơi ở ven đường. 

Theo giới truyền thông, bạo lực xảy ra tại khu vực Pas-de-Calais đã khiến ít nhất 8 cảnh sát bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng, còn nhiều người biểu tình bị bắt giữ. Hơn 10 ngày trước (17-11), gần 300.000 người biểu tình đã phong tỏa nhiều tuyến đường giao thông lớn và các cơ sở chiến lược ở Pháp. 

Và ngày 18-11, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cho biết, hơn 400 người bị thương, trong đó có 14 người bị thương nặng, khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu diễn ra tại 2.034 địa điểm trên khắp nước Pháp. Con số này cao hơn gấp đôi so với thông báo được đưa ra hôm 17-11. Cảnh sát đã thẩm vấn 282 người biểu tình và bắt 157 người trong số này.

Gần 2 tháng trước (9-10), cuộc đình công trong lĩnh vực điện lực đã buộc 3 nhà máy điện hạt nhân và 2 nhà máy điện than của Pháp phải giảm sản lượng điện ở mức 2,8 gigawatt. Và đó là một phần trong những cuộc biểu tình của các hiệp hội công đoàn nhằm phản đối những cải cách của Thủ tướng Emmanuel Macron. Trước đó (30-8), các công đoàn tại Pháp đã kêu gọi tổ chức một cuộc đình công vào ngày 9-10. 

Tổng Liên đoàn lao động (CGT) và Nghiệp đoàn Pháp (FO) cùng 2 tổ chức sinh viên quốc gia đã cùng tham gia kêu gọi đình công. Cuộc đình công hồi tháng 4 của nhân viên Công ty vận tải đường sắt quốc gia Pháp và 7 tổ chức công đoàn lớn thuộc khu vực nhà nước cũng từng diễn ra để phản đối cải cách của Tổng thống Emmanuel Macron đối với ngành đường sắt nói riêng và khu vực nhà nước nói chung nhằm cơ cấu lại nền kinh tế. Và cảnh sát là người phải đối phó với những "vấn nạn" này.

Trịnh Huyền My
.
.
.