Lừa đảo chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng tại một chi nhánh ngân hàng

Thứ Tư, 13/06/2018, 10:13
Ngày 12-6, TAND TP HCM đã mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại một ngân hàng tại TP HCM chi nhánh Mạc Thị Bưởi.


Ba bị cáo của vụ án bị truy tố về tội “lừa đảo...” gồm: Phạm Văn Chính (49 tuổi, Giám đốc Công ty Phát triển nhiên liệu Á Châu), Hoàng Văn Cường (41 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH TMDV A.D.N) và Đỗ Văn Quang (61 tuổi, thành viên góp vốn Công ty A.D.N). 

Liên quan đến vụ án, 5 người nguyên là cán bộ ngân hàng trên cũng bị đưa ra xét xử, trong đó có Phạm Thị Mai Toan (63 tuổi, nguyên Ủy viên HĐTV ngân hàng, kiêm Giám đốc Chi nhánh Mạc Thị Bưởi), Phí Thị Ong (58 tuổi, nguyên Giám đốc chi nhánh)...

Theo cáo trạng, Công ty nhiên liệu Á Châu được Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận kinh doanh lần đầu năm 2006, ngành nghề kinh doanh bất động sản và vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Công ty do Phạm Văn Chính làm Giám đốc và đại diện pháp luật nhưng trực tiếp điều hành mọi hoạt động của Công ty là Trần Thị Kim Thoa (Chủ tịch HĐQT; hiện đang giám định tình trạng tâm thần nhưng chưa có kết quả) và Hoàng Tiến Dzũng (Dũng và Thoa có quan hệ tình cảm với nhau và đã có hai con chung; hiện đã xuất cảnh và đang bị truy nã - PV).

Cuối năm 2009, mặc dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, Công ty Á Châu thực hiện Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu (phường Phú Hữu, quận 9, TP Hồ Chí Minh) nhưng Dzũng đã trực tiếp đến gặp Phạm Thị Mai Toan đặt vấn đề vay 90 tỷ đồng để thực hiện dự án trên. 

Để tạo niềm tin cho ngân hàng, Dzũng nhờ Đỗ Đình Trọng (em trai Dzũng) mua một phần đất có diện tích 10.349 m² tại phường Phú Hữu, quận 9 để có tài sản đưa vào ngân hàng đảm bảo khoản vay, thiếu 14.151 m² đất theo cam kết và không tiến hành thực hiện dự án theo cam kết.

Hai bị cáo Cường và Quang sau phiên xử.

Trần Thị Kim Thoa chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Yến (kế toán Công ty Á Châu, hiện không xác định được nhân thân, địa chỉ) lập giấy đề nghị vay vốn, lập khống bộ hồ sơ Dự án đầu tư khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu và các hợp đồng mua bán đất, lập các phiếu chi tiền nâng giá trị mua đất từ khoảng 2-3,7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/m². 

Ngoài ra, Thoa còn chỉ đạo lập các báo cáo tài chính nâng khống doanh thu, lợi nhuận Công ty Á Châu, sau đó chỉ đạo Chính đem các giấy tờ trên để hoàn thiện thủ tục vay vốn tại ngân hàng.

Ngày 25-11-2009, Phí Thị Ong đã ký hợp đồng tín dụng với Phạm Văn Chính và tiến hành làm thủ tục giải ngân cho Công ty Á Châu. Sau khi nhận 90 tỷ đồng từ ngân hàng, Chính không sử dụng để thực hiện dự án mà sử dụng để trả nợ cho 6 công ty đang có quan hệ tín dụng với chính ngân hàng này.

Đến nay, Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu không được thực hiện. Công ty Á Châu mới trả nợ gốc cho ngân hàng 23 tỷ đồng, đối trừ với trị giá tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay mà ngân hàng đang quản lý, Công ty Á Châu vẫn còn nợ ngân hàng số tiền gốc 21,3 tỷ đồng. Qua điều tra xác minh, 6 công ty mà Công ty Á Châu dùng tiền nợ vay ngân hàng để trả nợ đều do Dzũng và Thoa thành lập, điều hành và thuê người thân trong gia đình làm giám đốc.

Tương tự như các công ty trên, Công ty A.D.N là do Đỗ Minh Quang thành lập và sau này chuyển cho Hoàng Tiến Dzũng nhưng cả hai nhờ Hoàng Văn Cường đứng tên làm giám đốc. 

Mặc dù công ty không có dự án mua đất trồng rừng nào tại Bình Phước nhưng để vay tiền ngân hàng, Quang làm theo chỉ đạo của Dzũng ký biên bản họp hội đồng thành viên và hồ sơ kê khai báo cáo thuế khống năm 2008 thể hiện Công ty A.D.N có lợi nhuận.

Đến ngày 26-3-2009, Cường ký giấy đề nghị vay vốn 75 tỷ đồng gửi ngân hàng kèm theo hồ sơ dự án đầu tư kiêm phương án vay vốn do công ty A.D.N tự lập và báo cáo thuế khống năm 2008. 

Ngày 3-4-2009, Phí Thị Ong ký hợp đồng tín dụng với Hoàng Văn Cường và tiến hành làm thủ tục giải ngân cho công ty A.D.N 75 tỷ đồng. Đến nay, Công ty A.D.N không có tài sản đảm bảo khoản vay và không còn khả năng thanh toán 75 tỷ đồng nợ gốc.

Liên quan đến hành vi lừa đảo của các đối tượng trên, cơ quan tố tụng xác định: Trong việc cho Công ty Á Châu vay 90 tỷ đồng, Phạm Thị Mai Toan, Phí Thị Ong và 2 cán bộ ngân hàng khác biết rõ công ty này sử dụng tiền vay không đúng mục đích nhưng vẫn tiến hành làm các thủ tục cho vay. 

Quá trình làm thủ tục cho vay, các bị cáo không tiến hành thẩm định theo quy định, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, đồng thời tài sản thế chấp đảm bảo thiếu 14.151 m² đất theo hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai dẫn đến ngân hàng không có khả năng thu hồi số tiền 21,3 tỷ đồng. 

Trong việc ký kết hợp đồng cho Công ty A.D.N vay 75 tỷ đồng, Phí Thị Ong biết công ty này vay tiền nhưng không thực hiện dự án nhưng vẫn ký kết hợp đồng tín dụng, hồ sơ giải ngân... dẫn đến ngân hàng không có khả năng thu hồi số tiền 75 tỷ đồng.

Phiên toà dự kiến diễn ra trong nhiều ngày.

A.Huy
.
.
.