Cần có giải pháp đồng bộ, tích cực thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong cổ phần hóa doanh nghiệp

Thứ Hai, 11/06/2018, 14:01
Các cơ quan chức năng cần tăng cường chỉ đạo, giám sát thật căn cơ, rốt ráo việc tổng rà soát, định hình, nhận diện rõ những địa chỉ có nhiều dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm xảy ra từ việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước. 


Không phủ nhận những cố gắng, tích cực và hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn đem lại cho đất nước của cả hệ thống chính trị, đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước những năm vừa qua theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, ngay khi báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được công khai thì trên diễn đàn, bên lề hành lang của Quốc hội, cũng như dư luận cử tri cả nước cơ bản đã đồng thuận, đánh giá cao. 

Song cũng “nóng lên” không ít băn khoăn, tranh luận xung quanh tính khả thi của những chủ trương, giải pháp được kiến nghị, cũng như của một vài vị tư lệnh ngành khi đăng đàn đưa ra để tập trung làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm và lấy lại được tài sản đặc biệt lớn của đất nước đã bị chiếm đoạt.

Người dân quan tâm đến việc thu hồi số tài sản thất thoát, tham nhũng. Hình minh họa

Số tài sản thất thoát này có nguyên nhân từ những việc làm thiếu công khai, minh bạch, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm ở một vài địa phương, doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa 571 doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011-2016, mà điển hình là những “lùm xùm” như từng xảy ra từ việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, bán đấu giá tài sản tại Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản, thực phẩm Hà Nội...

Thiết nghĩ sự quan tâm, lo lắng là hoàn toàn có cơ sở, thật đáng được các cấp ủy đảng, người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm xem xét. Bởi tiềm lực đặc biệt lớn của quốc gia, tiền bạc của đất nước và cuối cùng là của người dân ở một vài nơi đã bị chính “những người” được “giao chức quyền” dùng đủ thứ mánh lới, bất chấp dư luận, pháp luật để chiếm đoạt, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho nền kinh tế, nhất là việc thiếu công khai, minh bạch trong “xác định giá trị” doanh nghiệp, trong quá trình tổ chức thực hiện cổ phần hóa, bán đấu giá tài sản. 

Chính vì vậy, nếu chỉ dừng lại giải pháp như được nêu, e người dân chưa thật yên tâm và hiệu lực, hiệu quả thực thi chắc chẳng được là bao. Trên thực tế việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, xét về trình tự, thủ tục, quy định, quy trình pháp luật thoạt nhìn, nghe thấy khá chặt chẽ, thật đầy đủ và không có sai sót gì lớn, ấy vậy mà “khi thực hiện” lại có quá nhiều chuyện, như báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra. 

Nguyên do có nhiều, song không thể không nói tới công tác tự thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhiều khi chưa thật nghiêm túc, được sâu sát; hiệu lực, hiệu quả phát hiện, cảnh báo, phòng ngừa, xử lý tiêu cực, tham nhũng còn quá khiêm tốn, chưa nói là rất thấp, thậm chí ở nhiều nơi hầu như không tự phát hiện được gì, chỉ khi dư luận bức xúc lên tiếng, có nhiều đơn thư, qua thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện ra. 

Vì vậy, tiếp tục phát huy kết quả bước đầu cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, lãnh đạo và nguyện vọng của đông đảo cử tri. Theo chúng tôi, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần xem xét, có ngay những chủ trương, giải pháp quyết liệt, đủ mạnh; huy động sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị mà quan trọng, trước hết là của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ban ngành và địa phương trong việc tự thanh tra, kiểm tra nội bộ, phát hiện sai phạm.

Đồng thời, quan tâm lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tăng cường chỉ đạo, giám sát thật căn cơ, rốt ráo việc tổng rà soát, định hình, nhận diện rõ những địa chỉ có nhiều dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm xảy ra từ việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước.

Trên cơ sở đó, có kế hoạch chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra xác định rõ sai phạm, đưa xử lý nghiêm theo đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với mọi tổ chức, cá nhân liên quan và cốt lõi là phải thu hồi được toàn bộ tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước, của nhân dân đã bị một số người lợi dụng chức, quyền chiếm đoạt được; gây bức xúc dư luận xã hội những năm vưa qua, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.
An Minh
.
.
.