Nhóm công nhân Công ty Long Sơn chém người tranh cướp đất lĩnh án
- Tòa tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại vụ nhân viên Công ty Long Sơn đánh người
- Sẽ điều tra, làm rõ những sai phạm của Công ty Long Sơn2
- Vụ nổ súng ở Đắk Nông: Bắt giám đốc Công ty Long Sơn
- Vụ Công ty Long Sơn và bài học trong công tác quản lý đất rừng ở Tây Nguyên
8 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Trần Văn Bốn (31 tuổi), Nguyễn Khắc Duy (23 tuổi), Trương Thanh Dững (23 tuổi, cùng trú tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước); Võ Văn Luân (27 tuổi, trú tại tại ấp Tân Lâm, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh); Trần Thanh Phú (24 tuổi), Trần Thanh Phong (25 tuổi), Phạm Thanh Long (29 tuổi), Trần Văn Trí (18 tuổi, cùng trú xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cả 8 bị cáo đều là nhân viên của Công ty TNHH Long Sơn (đơn vị liên quan đến vụ việc xả súng khiến 19 người thương vong vào ngày 23-10-2016).
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử |
Theo cáo trạng, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai với gia đình anh Trần Văn Thanh (44 tuổi, trú xã Đường Mười, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tại Tiểu khu 1535 (thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) nên Đào Công Bắc (31 tuổi, trú tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) có “nhờ” Phạm Đình Phúc (56 tuổi, trú cùng xã) đi đòi lại đất hộ mình. Theo thỏa thuận, nếu đòi được đất, Bắc sẽ “bồi dưỡng” cho Phúc.
Ngày 22-2-2015, thông qua sự giới thiệu của Phúc, Bắc làm quen được với Bốn và có nhờ Bốn đi đòi đất giúp mình. Nếu Bốn đòi được, Bắc sẽ trả công.
Sau khi nhận lời với Bắc, đến khoảng 15h30 chiều 3-3-2015, Bốn cùng với Long và Phong được một đối tượng tên Đức (chưa rõ lai lịch) dẫn đến mảnh đất xảy ra tranh chấp giữa gia đình anh Thanh và Bắc.
Tại đây, nhóm của Bốn gặp chị Chu Thị Kim Dung (vợ của anh Trần Văn Hanh, em ruột của anh Thanh) đang ngồi nhặt hạt điều nên có hỏi về nguồn gốc mảnh đất. Thấy vậy, chị Dung liền điện thoại cho chồng về.
Cùng lúc này, nhóm của Bốn cũng gọi điện cho một số đối tượng (đang làm việc tại Công ty TNHH Long Sơn) mang theo hung khí đến “trợ giúp” nếu có xảy ra xô xát, đánh nhau.
Nhận được điện, Dững, Trí, Luân, Duy và Phú liền mang theo một cây gậy gỗ chạy đến. Khi nhóm này vừa đến nơi, thì anh Hanh cùng với anh Thanh và Trần Văn Huỳnh (em trai anh Thanh) cũng vừa về đến nơi. Lúc này, giữa hai bên xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát.
Trong lúc xô xát, nhóm của Bốn xông vào đánh, chém túi bụi những người trong gia đình của anh Thanh. Vụ truy sát đã khiến anh Thanh bị chém và đánh vào đầu gây chấn thương sọ não, thương tật vĩnh viễn 90%, 3 người khác trong gia đình anh Thanh cũng bị chém trọng thương. Sau khi gây án, cả nhóm của Bốn bỏ về Công ty TNHH Long Sơn ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bản cáo trạng lần này cũng nêu rõ, Long là người đã dùng dao chém, còn Luân cầm gậy đập vào đầu anh Thanh dẫn đến gây thương tích. Theo bản kết luận giám định lại lần 2 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức cho thấy, tỷ lệ gây thương tích 90% trên người anh Thanh thì trong đó cú đánh của Luân chiếm 89%, còn 1% là do vết chém của Long gây ra.
Bản cáo trạng này cũng đã làm thay đổi đối tượng gây thương tích chính cho anh Thanh đó là bị cáo Luân chứ không phải bị cáo Long như những cáo trạng trước đó đã truy tố.
Anh Trần Văn Thanh, người bị đánh thương tật lên 90% phải được người nhà dìu đi khi nhận diện các bị cáo đánh mình tại tòa |
Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Bốn 6 năm tù giam, Nguyễn Khắc Duy 4 năm tù giam, Trương Thanh Dững 5 năm tù giam, Võ Văn Luân 8 năm 6 tháng tù giam, Trần Thanh Phú 5 năm tù giam, Trần Thanh Phong 6 năm tù giam, Phạm Thanh Long 7 năm 6 tháng và Trần Văn Trí 2 năm tù treo, thời gian thử thách 4 năm về tội “Cố ý gây thương tích”.