“Truy”hồ sơ về việc Thành viên PVN đồng ý góp vốn vào Oceanbank
- Viện Kiểm sát kiến nghị làm rõ 8 “điểm mờ” trong đại án Oceanbank
- Triệu tập Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang để làm rõ trách nhiệm
Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử tiến hành xét hỏi các bị cáo là cựu Thành viên HĐTV PVN gồm: Vũ Khánh Trường; Nguyễn Xuân Thắng; Nguyễn Thanh Liêm và Phan Đình Đức.
Theo bản án sơ thẩm, cuối năm 2008, do không được cơ quan thẩm quyền chấp thuận mở ngân hàng riêng của ngành Dầu khí nên PVN chuyển hướng đầu tư mua cổ phần của ngân hàng. Thời điểm đó, ông Đinh La Thăng gặp gỡ Chủ tịch HĐQT Oceanbank-Hà Văn Thắm và đi đến thỏa thuận PVN góp 800 tỷ đồng vào ngân hàng này để cùng nhau chia hưởng tỷ lệ lãi suất.
Theo cơ quan tố tụng, việc ông Đinh La Thăng ký tham gia góp vốn vào Oceanbank đã không thông qua HĐQT PVN, quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của Oceanbank và ký ban hành Nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp mà không thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính và chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo các điều kiện về góp vốn là trái quy định.
Ngày 1-1-2011, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực đã quy định: “Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”. Và đương nhiên, ông Đinh La Thăng lúc đó giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của PVN tại Oceanbank là 20%, vượt quá tỷ lệ cho phép 15%, tiếp tục ký quyết định giao cho bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn góp của PVN tại Oceanbank, để cho các ông: Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Đình Đức, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục thực hiện việc góp vốn 100 tỷ đồng (đợt 3) vào Oceanbank trái quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Hậu quả từ hành vi sai phạm của ông Thăng và cấp dưới đã khiến số tiền 800 tỷ đồng của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông Oceanbank trong đó có PVN.
Trả lời Hội đồng xét xử phúc thẩm, bị cáo Vũ Khánh Trường (cựu Thành viên HĐTV PVN) cho biết, tại lần góp vốn thứ 2 và thứ 3, bị cáo ký nghị quyết góp vốn sau khi các thành viên HĐTV đồng ý. Bị cáo Trường cho rằng, HĐTV PVN đã có sự đồng ý về mặt chủ trương thì những lần góp vốn tiếp theo chỉ là thực hiện theo quá trình và đều thực hiện theo ủy quyền của ông Thăng.
Bị cáo Vũ Khánh Trường tại phiên toà phúc thẩm. |
“Trong 3 lần góp vốn thì 2 lần đầu là đúng quy định, duy chỉ có lần thứ 3 là sai do thời điểm góp vốn này, tôi không biết quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực do chưa kịp cập nhật. Sau này khi được cơ quan điều tra giải thích, tôi mới biết và nhận thức được việc làm của mình là không đúng”, bị cáo Trường nói.
Bị cáo Trường trình bày tiếp, trong quá trình công tác bản thân có nhiều cống hiến, có nhiều huân huy chương, bản thân hay ốm đau, bệnh tật nên xin Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ hình phạt.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trường xin được miễn bồi thường cho PVN vì cho rằng “Việc PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank và mất số tiền này không chỉ Thành viên HĐTV chịu trách nhiệm mà còn do Ban lãnh đạo của Oceanbank và trách nhiệm chính thuộc về người đại diện phần vốn của PVN tại Oceanbank”.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (cựu Thành viên HĐTV PVN) khai, bị cáo tham gia ký xác nhận đồng ý việc góp vốn lần 3 với số tiền 100 tỷ đồng trên cơ sở xem các tờ trình của Tổng Giám đốc PVN. Việc ký xác nhận được ông Đinh La Thăng khi đó đi công tác nên đã ủy quyền chỉ đạo công việc trong HĐTV.
“Tại thời điểm ban hành nghị quyết, HĐTV có 7 người, trong đó có tôi và ông Đinh La Thăng”, bị cáo Thắng nói. Về lý do kháng cáo, bị cáo Thắng xin được cải tạo ngoài xã hội và không phải chịu trách nhiệm bồi thường 15 tỷ đồng. Bị cáo Thắng cho rằng “Hành vi phạm tội của mình là do chưa cập nhật các văn bản pháp luật mới được ban hành. Hơn nữa, hành vi cố ý làm trái hiện không còn quy định trong luật. Ngoài ra, bản thân có nhiều cống hiến cho ngành Dầu khí, cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Về mức bồi thường dân sự của bản án sơ thẩm, bị cáo Thắng cho rằng, trong vụ án Oceanbank đã phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu lại buộc bị cáo phải chịu bồi thường thì không hợp lý.
Đến lượt mình trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (cựu Thành viên HĐTV PVN) thừa nhận sai phạm của mình là do không cập nhật quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có hiệu lực. “Việc bị cáo ký tham gia góp vốn lần 3 không phải lợi ích nhóm. Bị cáo tham gia với vai trò thứ yếu, mờ nhạt nên mong muốn Hội đồng xét xử căn cứ vào tình tiết về nhân thân gia đình xin được giảm nhẹ tội và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự”, bị cáo Liêm nói.
Trình bày trước Hội đồng xét xử, bị cáo Phan Đình Đức (cựu Thành viên HĐTV PVN) giữ nguyên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và cho rằng, bị cáo không phạm tội cố ý làm trái, không gây ra hậu quả nên không phải chịu trách nhiệm dân sự.
Diễn biến trong phiên xử ngày 20-6 cho thấy, 4 bị cáo là cựu Thành viên Hội HĐTV PVN và các nhân chứng là Thư ký HĐTV PVN có lời khai mâu thuẫn với nhau liên quan đến lần góp vốn thứ ba của PVN vào Oceanbank với số tiền 100 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Thư ký HĐTV PVN (nhân chứng trong vụ án) khai rằng, bà đã gửi kèm theo Công văn 124 (do Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn ký) cho các thành viên HĐTV báo cáo, đề xuất về việc PVN góp vốn bổ sung lần ba vào Oceanbank.
Công văn gửi kèm Tờ trình của Tổng Giám đốc PVN kèm công văn của Oceanbank và dự thảo Nghị quyết của HĐTV về việc góp vốn của PVN vào Oceanbank.
Chủ tọa phiên toà phúc thẩm hỏi ông Lê Hải Ninh (chuyên viên giúp việc HĐTV) rằng, có nhận đủ tài liệu của các Thành viên HĐTV PVN liên quan đến việc góp vốn của PVN vào Oceanbank không? Ông Ninh trả lời: “Vì thời gian đã lâu nên tôi không nhớ chính xác có nhận đủ những tài liệu trên hay không”.
Theo ông Ninh, đây là vấn đề liên quan đến trách nhiệm lưu giữ hồ sơ nên Hội đồng xét xử cần hỏi người lưu giữ hồ sơ ở thời điểm đó để biết chính xác”. Nhận thấy ý kiến của nhân chứng là vấn đề quan trọng trong vụ án nên Chủ tọa phiên toà đề nghị đại diện PVN trả lời làm rõ vấn đề này.
Tuy nhiên do đại diện PVN chưa sẵn sàng trả lời câu hỏi nên Chủ toạ phiên toà quyết định tạm dừng phiên toà để đại diện PVN chuẩn bị tài liệu. Sáng 21-6, phiên toà tiếp tục.