Ngày thứ 8 xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Viện Kiểm sát kiến nghị làm rõ 8 “điểm mờ” trong đại án Oceanbank

Thứ Sáu, 04/05/2018, 08:28
Ngày 3-5, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phần thẩm vấn phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm. Ngày xét xử thứ 8, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội kiến nghị Hội đồng xét xử làm rõ 8 “điểm mờ” trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank.

Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, bản án của Toà án cấp sơ thẩm kiến nghị cơ quan chức năng làm rõ 8 “điểm mờ” trong đại án này, trong đó có 6 kiến nghị dành riêng cho Cơ quan điều tra. Cụ thể bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank khai, đã đưa khoảng 30-40 tỷ đồng cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Sau khi bị cáo Sơn chuyển từ Oceanbank về làm Phó Tổng Giám đốc PVN tiếp tục nhận khoảng 200 tỷ từ Oceanbank để thực hiện việc chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước cho nhóm khách hàng là PVN và bị cáo Sơn đã đưa cho bị cáo Quỳnh phần lớn số tiền này. Tuy nhiên quá trình điều tra và tại phiên toà sơ thẩm, bị cáo Quỳnh chỉ thừa nhận đã nhận từ bị cáo Sơn khoảng 20 tỷ đồng.

Do không thể làm rõ ngay được lời khai của bị cáo Sơn và lời khai của bị cáo Quỳnh tại phiên toà sơ thẩm nên Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm đã kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Quỳnh và những người có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về kiến nghị này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, đối với số tiền 20 tỷ đồng mà bị cáo Sơn đã đưa cho bị cáo Quỳnh, bị cáo Sơn đề nghị giảm trừ cho mình ngay trong vụ án này.

Ở kiến nghị thứ hai, bản án của Toà án cấp sơ thẩm xác định, ngoài số tiền chi lãi suất ngoài hợp đồng cho các khách hàng là cá nhân, Oceanbank còn chi lãi ngoài cho các tổ chức kinh tế có vốn của Nhà nước, nhưng thực chất là chi cho các cá nhân là lãnh đạo của những tổ chức này.

Các bị cáo khẳng định, đã chi tiền cho lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc PVN gồm: Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dịch vụ Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower); Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC); Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các công ty thành viên (PVIS); Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Long Phú 1 và Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2...

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (đứng) và các bị cáo khác tại phiên xử.

Điều này cho thấy có dấu hiệu của việc móc nối, lợi dụng tài sản chung để trục lợi cá nhân, tạo ra lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tham nhũng nên Toà án cấp sơ thẩm kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tập thể tại các đơn vị đã khởi tố vụ án và một số tổ chức kinh tế khác, nếu có căn cứ thì xử lý theo đúng quy định để đảm bảo nghiêm minh của pháp luật.

“Tại phần kiến nghị này, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, và khởi tố bị can đối với một số cá nhân. Đến thời điểm này chưa kết thúc điều tra nên Viện KSND tối cao tiếp tục kiểm soát hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra”, đại diện Viện kiểm sát cho biết.

Một kiến nghị khác được thể hiện ở bản án của Toà án cấp sơ thẩm về việc, quá trình điều tra và tại phiên tòa, hai bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba và Đỗ Đại Khôi Trang là Giám đốc phụ trách Khối khách hàng bán lẻ và Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng cá nhân khai, đã làm theo chỉ đạo của Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm thấy hành vi của ông Quang có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ, nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với kiến nghị này, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, Cơ quan điều tra đang tiến hành xác minh và củng cố hồ sơ trên cơ sở pháp luật.

“Với trách nhiệm là cơ quan kiểm sát hoạt động điều tra, Viện KSND tối cao nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ đề nghị Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối ông Trần Thanh Quang để xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử vụ án này, Tòa án cấp phúc thẩm cũng có quyền khởi tố bị can để yêu cầu điều tra. Bởi trước đó, Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố vụ án này để điều tra theo luật định”, đại diện Viện Kiểm sát nói.

Trước đó, tại phiên xử chiều 2-5, ông Trần Thanh Quang được Hội đồng xét xử phúc thẩm triệu tập đến phiên toà để trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án này. Trả lời Hội đồng xét xử, ông Quang cho biết, mình được giao nhiệm vụ quản lý 3 khối của Oceanbank là: IT, Marketing và Khối khách hàng bán lẻ. Hoạt động chung của từng khối do Giám đốc phụ trách khối điều hành.

“Tôi không chính xác là Oceanbank đã chi lãi suất vượt trần từ thời điểm nào, chỉ nhớ từ năm 2009. Cả 3 khối do tôi phụ trách đều hoạt động dưới sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Oceanbank. Trong nhiệm vụ của các khối, không có khối nào liên quan đến việc chi trả lãi ngoài cho khách hàng”, ông Quang cho biết.

Ông Thanh khai tiếp, một số Giám đốc khối như bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang và bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba có tham gia chi lãi suất vượt trần, nhưng việc này hai bị cáo thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc Oceanbank. Về trách nhiệm của mình là Phó Tổng Giám đốc Oceanbank phụ trách trực tiếp ba khối: IT, Marketing và Khối khách hàng bán lẻ, ông Quang cho rằng, mình quản lý các khối theo quy định của ngân hàng.

Còn việc cá nhân bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang ngoài thực hiện nhiệm vụ của khối còn nhận nhiệm vụ khác do Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Oceanbank giao. Tối 3-5, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghỉ nghị án.

Nguyễn Hưng
.
.
.