Ngày thứ 7 xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm:

Triệu tập Phó Tổng Giám đốc Oceanbank Trần Thanh Quang để làm rõ trách nhiệm

Thứ Tư, 02/05/2018, 19:51
Sau 4 ngày nghỉ cuối tuần và nghỉ lễ kéo dài, ngày 2-5, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phần trong phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm.

Sang ngày xét xử thứ 7 và dù phiên toà đang ở phần tranh luận, nhưng Hội đồng xét xử bất ngờ quay lại phần thẩm vấn để xét hỏi bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang, cựu Giám đốc Khối khách hàng cá nhân thuộc Oceanbank để làm rõ thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho một số bị cáo liên quan.

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Trang cho biết “Việc chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước xảy ra tại Oceanbank, bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ ông Trần Thanh Quang, Phó Tổng Giám đốc Oceanbank nhưng bị cáo không chỉ đạo cấp dưới. 

Ngoài trách nhiệm là Giám đốc Khối khách hàng cá nhân với chức trách, nhiệm vụ là hỗ trợ kinh doanh, bị cáo còn cũng phụ trách nhiều công việc khác nữa nên không thể chuyên tâm để quản lý sát sao hết mọi công việc”. 

Bị cáo Đỗ Đại Khôi Trang.

Trả lời về việc nhận chỉ đạo của ông Quang, bị cáo Trang trình bày “Bị cáo tham gia cuộc họp và nhận được phân công công việc của ông Quang qua hộp thư điện thử (email). 

Ông Quang là người chịu trách nhiệm về khối khách hàng cá nhân. Vì thế tất cả công việc, bị cáo đều phải báo cáo ông Quang trước khi thực hiện. 

Hội đồng xét xử hỏi về vai trò của ông Quang trong việc chi lãi ngoài, bị cáo Trang cho hay, ông Quang là Phó Tổng Giám đốc Oceanbank phụ trách 3 khối của Hội sở Do đó, bị cáo không biết vai trò của ông Quang như thế nào trong việc chi lãi ngoài trái quy định”.

Bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba, cựu Giám đốc Khối bán lẻ thuộc Oceanbank khai rằng “Bị cáo tham gia đối chiếu xác thực thông tin khách hàng từ tháng 6-2011 với công việc chính là đối chiếu xác thực khách hàng. 

Tháng 8-2012, bị cáo Ba được chuyển sang Khối quản trị rủi ro Oceanbank và được ông Quang chỉ đạo bàn giao công việc cho bị cáo Trang”.  

Khi Hội đồng xét xử thẩm vấn, một số bị cáo khác từng là cấp dưới của bị cáo Hà Văn Thắm cũng thừa nhận, ông Trần Thanh Quang chỉ đạo công việc, trong đó có hoạt động chi lãi suất vượt trần. 

Việc chi lãi ngoài đã diễn ra từ trước khi những bị cáo này tiếp quản công việc cụ thể tại Oceanbank cho đến khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bị cáo Hà Văn Thắm.

Sau khi thẩm vấn các bị cáo trên, Chủ toạ phiên toà cho rằng, bị cáo Trang và bị cáo Ba đều xác nhận trực tiếp nhận chỉ đạo từ ông Trần Thanh Quang, Phó Tổng Giám đốc Oceanbank. 

Vì thế khi xem xét về hành vi thì các cơ quan tố tụng phải nghiên cứu kỹ để tránh bỏ lọt tội phạm và cũng tránh buộc tội cho người khác một cách khiên cưỡng. 

Theo quan điểm của Chủ toạ phiên toà phúc thẩm vụ án này thì, không có lẽ Giám đốc các khối khách hàng của Oceanbank bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sai phạm của họ trong lĩnh vực chuyên môn mà người phụ trách trực tiếp lại có thể “đứng ngoài cuộc”.

Trước ý kiến của Chủ toạ phiên toà, đại diện Viện KSND cấp cấp tại Hà Nội khi được đề nghị trình bày quan điểm đã cho rằng, Hội đồng xét xử cần phải triệu tập ông Trần Thanh Quang, Phó Tổng Giám đốc Ocenbank đến tòa để làm rõ các tình tiết liên quan đến vụ án này, trong đó là trách nhiệm trực tiếp của ông Quang về việc chỉ đạo hoạt động của các khối do ông phụ trách. 

Đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, sáng 2-5, Hội đồng xét xử đã yêu cầu Tổ thư ký phối hợp với Cơ quan điều tra triệu tập ngay ông Trần Thanh Quang tới phiên tòa này.

Sau khi Hội đồng xét xử yêu cầu triệu tập ông Quang đến phiên xử, phiên toà trở lại phần tranh luận. Bị cáo Hà Văn Thắm được trình bày quan điểm của mình về tội danh và mức bồi thường dân sự mà Toà án cấp sơ thẩm và đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà phúc thẩm đã quy kết. 

Trình bày trước Toà, bị cáo Thắm cho rằng, mình không phạm tội tham ô tài sản và tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Thắm cho rằng, hành vi của mình gây ra trong vụ án này chỉ phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

“Nếu Toà án cấp phúc thẩm không chấp nhận đề nghị trên thì bị cáo mong muốn được giảm nhẹ hình phạt từ tù chung thân xuống tù có thời hạn”, bị cáo Thắm nói. 

Quan điểm của Hà Văn Thắm, trong phiên toà sơ thẩm, bị cáo không được hưởng tình tiết giảm nhẹ nào. Dù rằng trong quá trình điều tra, bị cáo đã thành khẩn khai báo và tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng nhưng phiên tòa sơ thẩm lại không ghi nhận tình tiết này. 

Bị cáo Thắm cho rằng, hành vi tham ô tài sản và chiếm đoạt tài sản thực chất là chi lãi ngoài trái quy định của Ngân hàng Nhà nước nên mong được Hội đồng xét xử xem xét về hoàn cảnh phạm tội để giảm nhẹ tội. 

Cũng theo bị cáo Thắm, dù việc khởi tố bị cáo xảy ra trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng mới có hiệu lực và bây giờ không áp dụng lãi suất vượt trần nữa nên cũng cần phải xem đây là tình tiết giảm nhẹ. Và khi vụ án xảy ra đến suốt quá trình xét xử, bị cáo luôn chủ động lấy hết cổ phiếu của mình ra đề nghị niêm phong để khắc phục hậu quả.

 “Trong suốt quá trình công tác, bị cáo đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong các tình tiết mà bị cáo được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.

Ngoài việc đưa ra các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bị cáo Thắm còn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét việc thu hồi tiền chi lãi ngoài của Oceanbank và trách nhiệm của các khách hàng đã nhận tiền, quyền lợi của các cổ đông. 

“Bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, đối trừ một số khoản tiền chi lãi ngoài đã bước đầu xác định được người thụ hưởng trái phép, khi cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra ở một số vụ án tiếp theo. 

Lý do bị cáo đề nghị điều này vì Toà án cấp sơ thẩm đã có đánh giá, kết luận không hợp lý liên quan đến hành vi, động cơ và mục đích của bị cáo. Bởi thực tế, bị cáo chỉ thực hiện duy nhất một hành vi là chi lãi ngoài nhưng lại bị quy kết vào nhiều tội danh khác nhau”, Hà Văn Thắm nói.

Nguyễn Hưng
.
.
.