Nguyễn Xuân Sơn bị đề nghị tử hình, Hà Văn Thắm chung thân

Thứ Năm, 14/09/2017, 11:33

Ngoài đề nghị hình phạt tù, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị bồi thường dân sự số tiền cụ thể mà các bị cáo đã chiếm đoạt của Oceanbank và PVN. Và để đảm bảo công tác thi hành án, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện lệnh kê biên tài sản đối với các bị cáo để đảm bảo công tác thi hành án.

Sau hai ngày nghỉ, sáng 14-9, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương Oceanbank.  Sang ngày xét xử thứ 12, HĐXX cho biết đã kết thúc phần thẩm vấn để chuyển sang phần tranh luận. Trước khi tranh luận, HĐXX đề nghị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố trình bày quan điểm giải quyết vụ án này.

Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc Oceanbank đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chi phối, yêu sách, áp đặt và chỉ đạo bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank thực hiện việc thu phí, chi lãi suất ngoài trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi, qua đó bị cáo Sơn đã nhận và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn

Hành vi đó của bị cáo Sơn đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tài sản của Oceanbank, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), gây bất bình trong xã hội và nhân dân.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Sơn chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi chiếm đoạt của mình, không có ý thức khắc phục hậu quả thiệt hại. Bởi vậy cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc theo các khung hình phạt tương ứng đã truy tố nhằm đảm bảo cho việc răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Ngoài bị cáo Sơn, và bị cáo Thắm, các bị cáo khác từng là cấp dưới của Thắm và Sơn giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho tội phạm xảy ra tại Oceanbank khi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Hà Văn Thắm

Chính từ điều đó, các bị cáo là Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank đã giúp sức cho lãnh đạo chủ chốt của Oceabank một thời là Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Văn Hoàn lạm chức chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản với số tiền đặc biệt lớn.

Sau khi phân tích, đánh giá về tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo trong vụ án này, đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án cụ thể đối với các bị cáo như sau:
Các bị cáo nghe đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn,c ựu Tổng Giám đốc Oceankank bị đề nghị mức án từ 16-18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; chung thân về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản: tử hình về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn hình phạt chung là tử hình.

Bị cáo Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị đề nghị từ 19-20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 18-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; chung thân về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Hà Văn Thắm hình phạt chung là chung thân.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank bị đề nghị phạt từ 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 10-12 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, Viện kiểm sát dề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Minh Thu phải chấp hành hình phạt chung từ 24-27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu. ảnh: Zing

Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn bị đề nghị từ 10-12 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 10-12 năm tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt, Viện kiểm sát đề nghị xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Hoàn hình phạt chung từ 20-24 năm tù.

Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị xử phạt từ 16-17 năm tù; bị cáo Hứa Thị Phấn bị đề nghị từ 17-18 năm tù; bị cáo Trần Văn Bình bị đề nghị từ 5-6 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. \
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn
Tổng hợp với bản án sơ thẩm ngày 9/9/2016 của TAND TP Hồ Chí Minh đã xử phạt Trần Văn Bình 4 năm tù, và bản án phúc thẩm ngày 24/1/2017 của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã xử phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Viện kiểm sát đề nghị buộc bị cáo Danh phải chấp hành hình phạt chung đối với cả hai bản án là 30 năm tù; buộc bị cáo Bình phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án từ 9-10 năm tù.
Bị cáo Phạm Công Danh

Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 18-24 tháng tù (án treo) đến 17-18 năm tù giam. Riêng bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (diễn viên Quỳnh Tứ), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BSC Việt Nam (công ty của Hà Văn Thắm) bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo Trần Văn Bình (hàng trên)

Ngoài đề nghị hình phạt tù, đại diện Viện kiểm sát cũng đề nghị bồi thường dân sự số tiền cụ thể mà các bị cáo đã chiếm đoạt của Oceanbank và PVN. Và để đảm bảo công tác thi hành án, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục thực hiện lệnh kê biên tài sản đối với các bị cáo để đảm bảo công tác thi hành án.

Đối với Oceanbank, địa diện Viện kiểm sát xác định, Ngân hàng Nhà nước không phát hiện kịp thời, công tác đôn đốc kiểm tra không được sâu sát nên ngày càng xảy ra nghiêm trọng hơn. Để xảy ra sai phạm này có một phần trách nhiệm của một số đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước từ năm 2014. Vì thế, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Sau khi đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm giải quyết vụ án, phiên toà tiếp tục với phần tranh luận. 

Nguyễn Hưng
.
.
.