Lừa “chạy án” chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng
Ngày 11-7-2018, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên toà phúc thẩm xét xử theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Tùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội, Tùng tình cờ quen biết anh Nguyễn và được anh này kể về việc mẹ đẻ đã bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý nên đang tìm cách xin giảm nhẹ tội cho mẹ.
Biết được điều này, Tùng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tự nhận mình là cán bộ của ngành Dầu khí, có quen biết rộng rãi với những người làm ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp Trung ương.
Đối tượng Nguyễn Thanh Tùng khi bị bắt |
Tùng nói nếu anh Nguyễn muốn mẹ được giảm án thì Tùng sẽ lo giúp từ án tử hình xuống còn chung thân. Đổi lại, anh Nguyễn phải đưa số tiền 1 tỷ đồng để Tùng “làm quà” cho những người giúp đỡ mẹ anh.
Sau đó, từ tháng 4 tới tháng 8-2017, vợ chồng anh Nguyễn đưa cho Tùng bốn lần tiền với tổng số tiền hơn một tỷ đồng. Nhưng những lần đến hẹn, vợ chồng anh Nguyễn hỏi về kết quả “chạy án” thì Tùng đều đưa ra các lý do khác nhau để trì hoãn và không hề hồi âm lại.
Nghi ngờ bị Tùng lừa, vợ chồng anh Nguyễn đã làm đơn gửi cơ quan Công an tố cáo hành vi của Tùng. Trong khi cơ quan Công an vào cuộc điều tra thì Tùng vẫn không hay biết hành vi lừa đảo của mình đã bị tố cáo.
Ngày 27-9-2017, Tùng gọi điện thông báo cho vợ chồng anh Nguyễn gặp mình tại một quán cà phê trên phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) để đưa nốt số tiền còn lại cho đủ 2 tỷ đồng. Trong lúc Tùng đang nhận tiền của vợ chồng anh Nguyễn thì bị cơ quan Công an phát hiện, bắt quả tang.
Kết quả điều tra xác định, sau khi lập gia đình và có 2 con nhỏ, Tùng để vợ con ở quê để ra Hà Nội thuê 1 căn hộ chung cư tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, sống với bạn gái.
Thời gian này, Tùng sử dụng chiếc xe ôtô trả góp của người thân, trị giá khoảng 600 triệu đồng để đánh bóng cho mình. Mỗi lần đi giao tiếp, Tùng luôn ăn mặc bóng láng, xách cặp hàng hiệu và luôn tự nhận là cán bộ của ngành Dầu khí.
Thực chất thì Tùng không có công việc ổn định nên một thời gian sau, chiếc xe ôtô mượn của người thân cũng bị anh ta mang thế chấp. Về sau, mỗi khi đóng vai cán bộ ngành Dầu khí để đi lừa đảo, Tùng thường thuê hoặc mượn xe ôtô của người quen. Về vụ lừa đảo vợ chồng anh Nguyễn, cơ quan điều tra xác định, Tùng đã chiếm đoạt số tiền gần 1,5 tỷ đồng.
Tại phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tùng 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cho rằng mức án trên là nặng nên bị cáo Tùng đã làm đơn kháng cáo.
Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Tùng thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xác định. Khi Chủ tọa phiên toà hỏi “Bị cáo có tình tiết gì mới để Hội đồng xét xử xem xét giảm án không?”. Tùng trả lời “Bị cáo không có”.
Chủ tọa giải thích “Nếu bị cáo không đưa ra được tình tiết gì mới thì không có căn cứ để Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt”. Nghe đến đây, bị cáo Tùng xin rút đơn kháng cáo. Vì thế Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án này. Như vậy là bị cáo Tùng chấp nhận thi hành bản án 14 năm tù như Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt.