Dùng thủ đoạn gọi điện thoại lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng

Thứ Hai, 27/05/2019, 10:45
Ngày 26-5, Công an TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Công an TP Hà Nội đã nhận được đơn thư tố giác từ 18 nạn nhân, với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng Internet, mạng viễn thông với nhiều thủ đoạn.


Trong đó, đáng chú ý, đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy chứng minh nhân dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng... 

Nếu nạn nhân trả lời là không có những việc trên thì đối tượng sẽ hướng dẫn, nối máy cho nạn nhân nói chuyện với đối tượng giả danh là cán bộ các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để trình báo... 

Khi đó, đối tượng tiếp tục thông báo cho người bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của cơ quan Công an đang điều tra liên quan đến buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... và đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. 

Các đối tượng yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác là đang làm việc với cơ quan pháp luật. 

Để người bị hại tin tưởng, các đối tượng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet có thể hiển thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an. Sau đó, các đối tượng vừa dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra, vừa nói sẽ xem xét tạo điều kiện nếu như người bị hại thành khẩn khai báo… 

Đối tượng yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra khiến người bị hại sợ bị bắt tạm giam, mất danh dự, uy tín nên phải chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.

Theo Công an TP Hà Nội, một chiêu trò cũng đang diễn ra khá phổ biến thông qua mạng xã hội, đó là đối tượng tìm hiểu, làm quen với người bị hại, tập trung vào nhóm người phụ nữ độc thân, các phụ nữ thiếu thốn tình cảm. Các đối tượng tự nhận là doanh nhân, người có điều kiện kinh tế, quân nhân, sinh sống tại nước ngoài... Sau khi làm quen, các đối tượng thông báo gửi các món quà giá trị như laptop, iphone, túi xách, nữ trang đắt tiền từ nước ngoài cho người bị hại. 

Đối tượng tạo lập các trang web có ghi thông tin đơn hàng đang vận chuyển cho người bị hại tự kiểm tra để tin tưởng. Sau đó, chúng giả mạo nhân viên hãng vận chuyển, hải quan, yêu cầu người bị hại chuyền tiền để nộp phí nhận hàng. 

Tiếp theo, các đối tượng thông báo trong bưu kiện có số lượng tiền lớn, yêu cầu người bị hại chuyển thêm tiền để mua giấy chứng nhận khoản tiền trong bưu phẩm không vi phạm pháp luật. Sau khi người bị hại chuyển tiền, đối tượng sẽ cắt đứt liên lạc. 

Sau khi tìm cách chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội (chủ yếu là tài khoản facebook), đối tượng nhắn tin nhờ bạn bè, người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, số điện thoại. Sau đó, đối tượng gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền, dẫn dắt người bị hại đến các website giả mạo. 

Các website này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như ID, mật khẩu tài khoản Internet banking, tên, số thẻ... Sau khi có thông tin, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng.

Với những thủ đoạn và diễn biến phức tạp của loại đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội khuyến cáo, người dân nên nâng cao kiến thức, nhận thức, tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin Internet banking với các đối tượng trên mạng. 

Ngoài ra, không có việc điều tra viên, lực lượng Công an gọi điện thoại thông báo như hình thức trên. Nếu gặp phải các đối tượng này, người dân cần bình tĩnh, báo cho người thân trong gia đình và cơ quan Công an. Bên cạnh đó, tìm cách ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… để cung cấp cho lực lượng chức năng, phục vụ công tác điều tra, truy bắt.

Mới đây, 1 nhóm đối tượng người Trung Quốc cũng đã bị Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ và tiến hành bàn giao toàn bộ đối tượng, tang vật cho Công an Trung Quốc để tiếp tục điều tra, làm rõ. 

Cụ thể, số đối tượng gồm 7 nam, 1 nữ thuê phòng trọ trên đường Bắc Sơn, thành phố Lạng Sơn, đã bị Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Ty Công an Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bắt giữ, qua đó thu 9 máy tính, 20 điện thoại di động, hơn 60 thẻ ngân hàng và nhiều thiết bị phạm tội. 

Qua khai thác ban đầu, các đối tượng khai nhận được một số đối tượng Trung Quốc thuê sang Việt Nam lắp đặt, sử dụng các thiết bị công nghệ cao, lập tài khoản giả mạo công ty, doanh nghiệp để lôi kéo, lừa người Trung Quốc đầu tư, từ đó chiếm đoạt số tiền lớn. Các đối tượng này đã được bàn giao cho Công an Trung Quốc để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Minh Hiền
.
.
.