Đề nghị làm rõ trách nhiệm nguyên Giám đốc BVĐK Hòa Bình
- Để thực sự công bằng trong phiên xét xử vụ chạy thận làm 9 người tử vong
- VKS giữ nguyên mức án đối với 3 bị cáo trong vụ chạy thận làm 9 người tử vong
Tại phiên tòa, các luật sư tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương. Trong đó luật sư có đề nghị HĐXX được chất vấn Viện kiểm sát (VKS) 12 nội dung liên quan đến vấn đề làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế, trách nhiệm của các cơ quan tố tụng trong việc không cấm xuất cảnh đối với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình).
Đối với bị cáo Hoàng Công Lương, khi được HĐXX hỏi có ý kiến bào chữa gì thêm không, bị cáo trả lời “bị cáo không có ý kiến gì thêm cho phần bào chữa của mình”.
Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư Phúc chỉ ra những thiếu sót trong việc ban hành quy trình, quy chuẩn chạy thận của Bộ Y tế. Một trong số những câu hỏi của CQĐT là: Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2 có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?
Tuy nhiên, theo luật sư Phúc, khi Bộ Y tế có công văn phúc đáp, đã thêm thuật ngữ "AAMI" vào câu hỏi của CQĐT, có nghĩa Bộ Y tế đã tự ý biên tập, chỉnh sửa câu hỏi gốc của CQĐT. Do đó, việc chỉnh sửa đã gây ra "hiểu lầm tai hại". Bởi theo bà Phúc, trong bản luận tội của VKS đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AMMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo. Luật sư Phúc cho rằng không phải VKS mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo trong vụ án này.
"Bộ Y tế đã tự biên tập lại câu hỏi không nằm trong danh sách câu hỏi của CQĐT. Về vấn đề này, luật sư đề nghị đại diện VKS đánh giá ở bút lục 1487 và 1485 là công văn của CQĐT, Công an tỉnh Hòa Bình gửi cho Bộ Y tế"- bà Phúc nói.
Cũng trong phần bào chữa, luật sư Phúc cho rằng Bộ Y tế đã tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Mỹ vào công văn, rất dễ gây nhầm lẫn là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không. Bản thân Bộ Y tế cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không.
Tham gia bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương, luật sư Nguyễn Văn Đà tiếp tục bác toàn bộ truy tố của VKS đối với thân chủ của mình. Theo luật sư Đà, việc điều dưỡng thông báo hệ thống lọc nước đã sửa xong điều này được hiểu là hệ thống an toàn, đối với kiểm tra nguồn nước thuộc trách nhiệm của kỹ sư chuyên ngành hệ thống lọc nước RO số 2, không liên quan đến bác sĩ Lương.
Các luật sư bào chữa cho các bị cáo trước tòa. |
Luật sư Đà cũng yêu cầu làm rõ hợp đồng ký kết giữa Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình. Trong đó, xem xét trách nhiệm giám sát của Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn và ông Trương Quý Dương, cựu Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình
Buổi chiều cùng ngày, luật sư bào chữa cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho rằng: Căn cứ vào hồ sơ thu thập thì hành vi chuyển nhượng thầu của Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn là vi phạm hợp đồng, cũng là nguyên nhân chính gây ra sự cố y khoa tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Kiến nghị HĐXX TAND TP Hòa Bình khởi tố hình sự Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn. Đồng thời khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được quy định rõ trong hành lang pháp lý cần phải được làm rõ.
Quan điểm về trách nhiệm bị cáo Hoàng Công Lương, luật sư bào chữa cho rằng còn khiên cưỡng. Khẳng định trách nhiệm cần xem xét là ông Trương Quý Dương và đề nghị đền bù về mức tinh thần theo quy định.