Giám đốc Công ty quốc gia “bắt tay” với nữ giảng viên chiếm đoạt hơn 12 tỷ đồng

Thứ Bảy, 09/04/2016, 09:35
Bùi Vinh Quang (39 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn quốc gia Việt Nam và Triệu Thị Trần Băng (48 tuổi, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nguyên giảng viên trường Cao đẳng Y tế Hà Nội đã “bắt tay” với nhau trong việc "chạy việc, chạy trường" để chiếm đoạt của 126 người với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng. 

Trong ba ngày từ 6 đến 9- 4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án trên. Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, công ty của Quang không có chức năng xin học, xin phúc tra điểm và xin việc làm. 

Nhưng với ý đồ kiếm tiền bất chính, Quang đã giới thiệu với Băng rằng, mình làm doanh nghiệp nên quen biết với nhiều vị lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và có thể xin cho nhiều người vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, ngân hàng, bệnh viện, xin học, xin chuyển trường, xin phúc khảo điểm cho các thí sinh bị thiếu điểm được vào học tại các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp. Tùy theo từng trường hợp mà Quang đưa ra mức giá từ 10 đến 420 triệu đồng.

Bị cáo Quang và Băng tại phiên xử.

Nghe lời giới thiệu ấy, lúc đầu Băng tưởng thật nên đã liên kết với Quang để nhận hồ sơ xin việc, xin học cho những người có nhu cầu nhằm hưởng chênh lệch. Tuy nhiên thời gian sau đó, Băng phát hiện ra Quang khó có thể thực hiện được như đã giới thiệu, nhưng người phụ nữ này vẫn nhận hồ sơ và tiền của rất nhiều trường hợp có nhu cầu.

Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 6 đến tháng 11- 2012), Băng đã hứa hẹn và nhận tiền của 126 người để chạy trường, chạy việc. Tùy từng trường hợp mà Băng tự nâng chi phí lên gấp đôi so với yêu cầu của Quang. Với trường hợp xin vào làm việc ở ngân hàng, Băng yêu cầu nộp 200 triệu đồng, trả cho Quang 100 triệu đồng. Trường hợp phúc tra điểm thi đại học, cao đẳng, Băng thu từ 50 đến 100 triệu đồng.

Sau khi nhận hồ sơ xin việc, xin học và tiền từ Băng giao, Quang không thực hiện bất cứ công việc nào như đã hứa mà chiếm đoạt toàn bộ. Thông qua đầu mối là chị Đàm Thị Thu (công tác tại một học viện có địa chỉ ở Hà Nội), Băng lừa đảo chiếm đoạt tiền của các bị hại xin việc, xin phúc tra điểm và vào học tại các trường đại học, trung cấp của lực lượng vũ trang với chi phí 200 đến 290 triệu đồng.

Ngoài hành vi “bắt tay” với Băng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người xin học, xin việc, Quang còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của bốn bị hại khác với số tiền 370 triệu đồng.

Quá trình điều tra còn xác định, có nhiều cá nhân khác tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Băng và Quang. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định đây là quan hệ dân sự nên không đề cập giải quyết trong vụ án này mà yêu cầu các bị hại nộp đơn đến Tòa dân sự để giải quyết trong một vụ án khác.

 Đối với chị Thu có hành vi nhận số tiền nhiều tỷ đồng của các bị hại để xin học, xin việc, nhưng số tiền này đã giao hết cho Băng. Đến nay, cơ quan điều tra không nhận được đơn tố giác chị Thu còn chiếm đoạt tiền. Vì thế cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự với chị Thu mà ra quyết định xử phạt hành chính. Nhưng do đã hết thời hiệu xử phạt nên cơ quan điều tra có văn bản gửi học viện - nơi chị Thu công tác đề nghị xử lý kỷ luật theo quy định. 

Cơ quan điều tra xác định, trong tổng số hơn 12 tỷ đồng đã chiếm đoạt của bị hại, Băng chiếm đoạt 6,1 tỷ đồng, hiện đã khắc phục 3,5 tỷ đồng; Quang chiếm đoạt 6,6 tỷ đồng. HĐXX xác định hành vi phạm tội của hai bị cáo là rất nghiêm trọng.

Sau khi phân tích, đánh giá về vai trò của từng bị cáo trong vụ án này, HĐXX đã tuyên phạt Quang 16 năm tù và Băng 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc hai bị cáo bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo luật định. Mong rằng qua vụ án này là bài học để mỗi người nêu cao cảnh giác, tránh mắc bẫy những kẻ lừa đảo.

Nguyễn Hưng
.
.
.