Xét xử vụ sai phạm tại ngân hàng Đại Tín:

Bà Hứa Thị Phấn đã bán nợ cho Phạm Công Danh như thế nào?

Thứ Bảy, 12/05/2018, 07:05
Trả lời luật sư tại toà, bị án Phạm Công Danh khai: quá trình nhận chuyển giao ngân hàng từ bà Hứa Thị Phấn, ông chưa bao giờ nghe bà Phấn nói về giá trị thật của căn nhà. Ông cũng chưa bao giờ tiếp cận được nguồn thông tin nào cho biết ngôi nhà có giá trị thật 155 tỷ.


Ngày 11-5, phiên toà xử vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (tiền thân của ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB, hiện nay là ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - CB), tiếp tục xét hỏi các bị cáo, người liên quan xung quanh việc mua bán căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, gây thiệt hại cho ngân hàng Đại Tín 1.105 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, sau khi Tập đoàn Thiên Thanh do ông Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT VNCB) làm đại diện mua lại ngân hàng Đại Tín, căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch nằm trong 84,92% cổ phần, tương đương 2.521 tỷ đồng trong ngân hàng do bà Phấn làm chủ sở hữu.

Trả lời luật sư tại toà, bị án Phạm Công Danh khai: quá trình nhận chuyển giao ngân hàng từ bà Hứa Thị Phấn, ông chưa bao giờ nghe bà Phấn nói về giá trị thật của căn nhà. Ông cũng chưa bao giờ tiếp cận được nguồn thông tin nào cho biết ngôi nhà có giá trị thật 155 tỷ.

Là người liên quan trực tiếp đến ngân hàng Đại Tín và tài sản này, ông Danh cho biết sự việc xảy ra ông đã phải chịu trách nhiệm về phần hình sự và cả dân sự rồi, đúng sai ông không bàn cãi nữa nhưng có một sự thật là nếu biết được giá trị thật của ngôi nhà này, ông đã không tiếp quản ngân hàng Đại Tín.

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xét xử.

Đây là sai lầm lớn nhất của ông, vì chủ quan, vì tin tưởng bà Phấn và thật sự là bà Phấn quá giỏi. Bối cảnh khách quan lúc đó ông đã đưa cho Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng và ông Thắm đã nhận tiền rồi (tiền môi giới mua ngân hàng) và bỏ ra không dưới 1 ngàn tỷ đồng trả lãi ngoài...

“Tất cả đều có chứng từ hết, đây là tiền chăm sóc khách hàng này rất rõ ràng”, ông Danh nói. Vì vậy, sau khi đã mua lại ngân hàng Đại Tín, định giá lại căn nhà chỉ còn 181 tỷ đồng, ông quá bàng hoàng. Thời điểm đó ngân hàng đang mất thanh khoản rất cần tiền và hai bên (ông và bà Phấn) đã phát sinh tranh chấp. Ông đã đưa vào ngân hàng hơn 3.600 tỷ nhưng chưa lấy thứ tài sản nào ra. 

Không còn chút niềm tin nào nữa, rất nhiều lần ông mang hồ sơ lên ngân hàng Nhà nước đòi trả lại ngân hàng Đại Tín và ngân hàng Nhà nước cũng không can thiệp một cách dứt khoát dẫn đến hậu quả ông và những người kề cận phải hầu toà như thế này.

Cùng ông Danh “đàm phán” mua lại ngân hàng Đại Tín, trong phần trả lời luật sư, bị án Phan Thành Mai (nguyên TGĐ VNCB) cho biết, dù thời điểm đó ngân hàng đang rất cần tiền nhưng sau khi tiến hành định giá lại căn nhà này ngân hàng không bán được vì giá trị trên sổ sách quá cao trong khi giá thật trên thị trường quá thấp, chênh lệch hơn ngàn tỷ. Ông Mai cho biết, nếu bán với giá trị đó ngân hàng lỗ sâu hơn...

“Bao nhiêu tài sản bấy nhiêu khoản nợ vay, để có tiền buộc lòng tôi phải làm nhiều hành vi sai và đã bị kết án. Tôi phải tìm ra nguồn tiền hỗ trợ (chi lãi ngoài) khách hàng, phải hỗ trợ cho có khách hàng mới thị trường 1 và dùng tiền thị trường 1 để chăm sóc khách hàng mới...”, ông Mai nói.

Cũng như ông Danh, ông Mai khẳng định hành vi nâng khống căn nhà lên ngàn tỷ, chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các ông phạm tội và bị kết án.

Theo hồ sơ, sau khi bán lại ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh, ngoài đồng ý chuyển giao 84,92% cổ phần tại ngân hàng Đại Tín, bà Phấn còn đồng ý chuyển giao các quyền và nghĩa vụ sở hữu đối với số cổ phần tại hai công ty chứng khoán Đại Việt và bảo hiểm Hùng Vương trị giá 112 tỷ đồng, chuyển nhượng toàn bộ tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín, chuyển giao toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bà Phấn tại ngân hàng hơn 3.581 tỷ đồng, chuyển giao các khoản tài chính đã đầu tư của bà Phấn tại ngân hàng Đại Tín trên 902 tỷ đồng...

Theo đó, ông Danh đã chuyển tiền tất toán toàn bộ dư nợ gốc của 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bà Phấn 3.581 tỷ đồng, hiện chỉ còn dư nợ lãi 1.260 tỷ đồng và được đảm bảo bằng 114 bất động sản của nhóm Phú Mỹ, được ngân hàng Đại Tín định giá lúc cho vay là 4.454 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tháng 9-2014, công ty cổ phần thông tin và thẩm định giá miền Nam (SIVC) định giá lại chỉ có 1.360 tỷ đồng. Tuy 29 khoản nợ vay của Nhóm Phú Mỹ đã được tất toán gốc, chỉ còn dư nợ lãi nhưng hiện Phạm Công Danh đang tố cáo bà Phấn lừa đảo chiếm đoạt 3.581 tỷ đồng trên của Danh. Lý do ông Danh đưa ra là ông đã thực hiện trách nhiệm trả nợ nhưng bà Phấn không bàn giao toàn bộ bất động sản theo thoả thuận nên ông không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán 1.037 tỷ đồng trên.

Ông Danh đề nghị bà Phấn phải hoàn trả lại số tiền 3.581 tỷ đồng ông đã chuyển giao để tất toán 29 khoản vay trên. Đến nay, thời hạn điều tra đã hết, vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 chuẩn bị đưa ta xét xử, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự “vi phạm cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến 29 khoản vay nhóm Phú Mỹ của bị can Phấn ra khỏi vụ án này, tạm đình chỉ điều tra vụ án, chờ xét xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh rồi xử lý sau.

A.Huy
.
.
.