Tốn tiền xây chợ phiên miền núi rồi bỏ hoang

Thứ Hai, 29/08/2022, 06:30

Khu chợ phiên tại xã Trà Giác do Phòng Kinh tế và hạ tầng (KT&HT) huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) làm chủ đầu tư, xây dựng với kinh phí hơn 930 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện, được đưa vào sử dụng vào tháng 9/2018.

Khu chợ nằm cách QL40B chừng 100m, hoạt động theo phiên mỗi tháng 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3), được kỳ vọng tạo điều kiện cho người dân các xã miền núi Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka có nơi họp chợ để trao đổi, mua bán hàng hóa, kích thích sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, khu chợ còn đáp ứng yêu cầu quy hoạch ngành thương mại của UBND tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

2.jpg -0
Khu chợ phiên tại xã Trà Giác đang bị bỏ hoang.

Tuy nhiên, theo quan sát thực tế của chúng tôi, hiện khu chợ phiên tại xã Trà Giác đã bị bỏ hoang, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Người dân địa phương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, khu chợ này không còn hoạt động nên khi có nông sản, măng, rau… họ phải mang ra bày bán bên mép QL40B. Nói về khó khăn trong việc họp chợ phiên, ông Hồ Ngọc Ân, Chủ tịch UBND xã Trà Giác cho biết, đa số người dân các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Muốn đến phiên chợ, họ phải đi quãng đường núi khá xa, địa hình hiểm trở, trong khi hàng hóa, nông sản để bán cũng không nhiều. Do đó, mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tham gia họp chợ; thậm chí cán bộ, đảng viên còn nuôi gà, lợn, trồng rau mang ra chợ bán nhưng chỉ được một thời gian và không mang lại hiệu quả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Sự, Trưởng phòng KT&HT huyện Bắc Trà My thì cho rằng cần tiếp tục giữ quan điểm, chủ trương duy trì hoạt động chợ Trà Giác. Huyện đã tập trung chỉ đạo UBND xã Trà Giác quản lý tốt cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng; tuyên truyền vận động nhân dân trong xã và các xã Trà Giáp, Trà Ka đẩy mạnh sản xuất, đưa nông sản, hàng hóa ra chợ để bán buôn, không bán cho những người mua hàng trực tiếp. Thực hiện nhiều mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt để tạo ra nhiều sản phẩm với số lượng đảm bảo cung ứng thị trường tiêu dùng, gắn kết với ngành Văn hóa - thông tin để đưa các mô hình văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số về tổ chức sinh hoạt giao lưu, thu hút du khách đến tham quan, mua sắm… Bên cạnh đó, huyện Bắc Trà My cũng đang nghiên cứu mô hình quản lý chợ như lựa chọn, kêu gọi các đơn vị hợp tác xã, doanh nghiệp, nhóm hộ… để giao hoặc đấu thầu quản lý, khai thác chợ cho phù hợp theo quy định.

Ngọc Thi
.
.
.