Thanh Hoá: Đình chỉ trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường
Sau khi kiểm tra thực tế tại trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (xây dựng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá), ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu đình chỉ hoạt động trại chăn nuôi lợn để làm rõ nguyên nhân phát sinh, khi nào đảm bảo các điều kiện mới cấp phép trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, người dân phố Oi, thị trấn Lang Chánh và người dân xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, xây dựng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá.
Nhận được thông tin phản ánh, đoàn kiểm tra của huyện Lang Chánh cũng như đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần kiểm tra thực tế tại trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina. Tại thời điểm kiểm tra, các cơ quan chức năng đều khẳng định, tình trạng mùi hôi thối bốc ra từ trang trại chăn nuôi lợn là đúng thực tế như thông tin phản ánh. Qua kiểm tra, ngoài việc xử lý vi phạm, đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina có các giải pháp giảm đàn lợn, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina gần như không có hiệu quả, khiến người dân trên địa bàn hết sức bức xúc.
Chiều 2/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ngành liên quan đã trực tiếp tới khu vực trang trại nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina để kiểm tra, xử lý dứt điểm trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối khiến hàng ngàn hộ dân khốn khổ. Sau khi đi kiểm tra trực tiếp trong khu trang trại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng các sở, ngành, địa phương đã có buổi làm việc với UBND huyện Lang Chánh và đại diện người dân xã Tân Phúc, xã Tam Văn, thị trấn Lang Chánh và đại diện của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để đưa ra các giải pháp xử lý.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Hoàng Văn Thanh - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho hay, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty CP đầu tư nông nghiệp Agri-Vina bắt đầu nuôi từ tháng 7-2023 với số lượng 700 con. Ngay thời điểm đó đã có mùi hôi nên huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc, sau đó có xử phạt 2 lần với số tiền 95 triệu đồng.
Đến đầu tháng 4/2024, người dân bắt đầu phản ánh việc trại chăn nuôi lợn có mùi hôi trở lại, huyện đã vào cuộc xử lý 5 đợt, trong đó 3 đợt phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. "Từ ngày 19/4 đến nay huyện đã ban hành 9 văn bản chấn chỉnh, nhắc nhở công ty.
Quan điểm của huyện là không đánh đổi về kinh tế. Việc người dân phản ánh mùi hôi thối, chúng tôi cũng ngửi thấy. Tôi sáng sớm thường đạp xe vào khu vực trên và thực sự mùi hôi thối xộc lên mũi không chịu được" Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết thêm.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định thông tin người dân phản ánh và các cơ quan báo chí nêu là có cơ sở. Sau khi nghe các ý kiến đại diện cho nhân dân các xã, thị trấn và các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đình chỉ hoạt động của công ty này từ ngày 30/7 để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành làm rõ nguyên nhân gây mùi để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
"Trước mắt, công ty cần thường xuyên có biện pháp xử lý không để mùi hôi ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Cần xuất bán hết số lợn trên trước ngày 30/7, nếu không phải di chuyển số heo đi nơi khác để khắc phục những tồn tại. Sở Tài nguyên và Môi trường phải báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa khi doanh nghiệp xử lý xong các tồn tại, đảm bảo các điều kiện mới cấp phép hoạt động trở lại"- ông Giang cho biết thêm.
Được biết, dự án trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất của Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri-Vina được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất từ tháng 7/2022, với tổng diện tích hơn 37ha. Trong đó, gần 18ha diện tích đất để xây dựng các hạng mục công trình nuôi lợn với quy mô nuôi 60.000 con lợn thịt mỗi năm và hơn 19ha còn lại để trồng rừng sản xuất.