Nhiều nơi ở Quảng Trị “khát” nước sạch

Thứ Năm, 11/05/2023, 16:55

Hàng năm vào mùa khô, cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của hàng chục nghìn hộ dân ở nhiều vùng đồng bằng nông thôn và miền núi Quảng Trị lại bị đảo lộn do thiếu nguồn nước sạch. Năm nay, tình trạng hán hạn ở đây diễn ra sớm hơn, ngay sau những ngày nắng nóng “chạm đỉnh” 45 – 50 độ C, người dân miền núi đã phải vào sâu trong rừng, còn người miền xuôi thì đi xa hàng cây số để tìm kiếm, xin, mua nước sạch về sử dụng.

Anh Hồ Văn Tiêu, thôn Ván Ry, xã rẻo cao Húc, huyện miền núi Hướng Hóa buồn bã cho biết, gần một tháng nay, ngày nào anh cũng mất gần cả buổi sáng đợi đến lượt mình được bơm nước vào bồn rồi mới đi làm được.

Tại xã rẻo cao này, 5-7 gia đình dùng chung 1 giếng nước. Thời điểm khô hạn, mực nước xuống thấp, bà con phải thay phiên nhau sử dụng, đặc biệt từ sáng sớm đến gần trưa phải bơm nước từ giếng vào sẵn các bồn dự trữ mới có dùng cho cả ngày. Cứ vậy, phải qua một đêm, nước giếng mới có đủ trở lại để bơm.

Anh Hồ Văn Thiên, thôn Hồ, xã rẻo cao Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa bộc bạch, năm nay mới đầu tháng 4 đã nắng hạn rất gay gắt, mọi ngày hầu hết nhiệt độ đều trên 40 độ C nên nhiều xã vốn có nguồn nước ngầm dồi dào như Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng và Hướng Sơn đều bị cạn kiệt.

Nhiều vùng đồng bằng nông thôn và miền núi Quảng Trị “khát” nước sạch -0
Người dân xã Húc bơm nước từ giếng nước dùng chung về sử dụng. 

Trong khi đó, hàng trăm công trình nước tự chảy, bể chứa do nhà nước đầu tư do lâu ngày bị xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được nên cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của bà con bị đảo lộn, gặp khó khăn rất nhiều.

Ông Hồ Văn Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn chia sẻ, hiện tại bà con đang phải dùng nước từ các khe suối, vì vậy nguy cơ bị bệnh tật do nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là rất lớn. “Người dân chúng tôi rất mong được chính quyền cấp trên hỗ trợ, đầu tư bắt đường ống dẫn nước từ các vùng đầu nguồn về để đảm bảo cho sức khỏe”, ông Hanh bày tỏ.

Rời Hướng Sơn, chúng tôi đến 7 xã vùng Lìa dọc theo sông Sê Pôn (đối diện nước bạn Lào) của huyện Hướng Hóa. Mùa này, con đường qua các bản làng ở đây mù mịt bụi. Hỏi chuyện nước sạch, anh Hồ Văn Tân, thôn Kỳ Tăng, xã Lìa vội dựng chiếc xe máy cà tàng anh vừa “đèo” một lúc 2 can nước lớn từ vùng rừng sâu về vào một góc nhà rồi dẫn chúng tôi ra một công trình cấp nước tự chảy ở thôn.

Nhiều vùng đồng bằng nông thôn và miền núi Quảng Trị “khát” nước sạch -0
Công trình chứa nước tự chảy bị hư hỏng, bỏ hoang ở xã Húc. 

“Cả thôn chỉ có một công trình nước sạch này, nó gồm đường ống dẫn nước tự chảy và bể chứa nước nhưng nó đã bị hư hỏng từ lâu. Vì vậy, nhà nào cũng phải mua sắm các can nhựa đựng nước, sáng sớm hàng ngày phải đi vào rừng sâu để lấy nước mang về sử dụng cho cả ngày hôm đó”, anh Tân trầm ngâm chia sẻ.

Ông Hồ Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Lìa cho hay, toàn xã hiện có hơn 5.600 nhân khẩu, hộ nghèo chiếm 67,72% dân số. Tuy nhiên, nguồn nước sạch vẫn luôn là vấn đề đáng quan ngại nhất trên địa bàn. Tại đây, nguồn nước giếng khoan bị nhiễm vôi trên diện rộng. Những năm qua, số người bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa, gan, thận vì thế tăng rất cao.

Tại xã vùng đồng bằng Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tình trạng người dân bị “khát” nước sạch cũng tương tự.

Thắc mắc trước tình trạng địa phương được đầu tư xây dựng một công trình cung cấp nguồn nước sạch rất quy mô nhưng nhiều năm qua công trình này vẫn trong tình trạng bị dang dỡ và bỏ hoang, ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã này buồn bã, chia sẻ: “Dự án hệ thống cấp nước Hải Chánh khi khởi công đã làm biết bao bà con địa phương phấn khởi.

Nhiều vùng đồng bằng nông thôn và miền núi Quảng Trị “khát” nước sạch -0
Người dân vùng Lìa, huyện Hướng Hóa phải đi xách từng can nước ở các sông, suối chưa bị cạn.

Theo dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho trên 1.800 hộ dân với khoảng 9.000 nhân khẩu đang sinh sống tại 6 thôn của Hải Chánh và xã Hải Sơn ở lân cận. Thế nhưng, sau khi thi công một số hạng mục cơ bản, đến tháng 9/2015 công trình dừng lại cho đến nay. Do để hoang lâu ngày, một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, người dân tận dụng làm nơi nhốt trâu, bò”.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, dự án Hệ thống cấp nước sạch xã Hải Chánh có tổng mức đầu tư 30,8 tỉ đồng. Trong đó, sử dụng vốn viện trợ ODA của Chính phủ Italia hơn 8,2 tỉ đồng, vốn ngân sách đối ứng trong nước hơn 19 tỉ đồng, vốn góp của chủ đầu tư (Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị) và người dân hơn 3,4 tỉ đồng.

Nhiều vùng đồng bằng nông thôn và miền núi Quảng Trị “khát” nước sạch -0
Công trình nước sạch bỏ hoang ở xã đồng bằng Hải Chánh. 

Sau khi hoàn thành xây dựng phần thô trị giá hơn 8,3 tỷ đồng thì dừng lại do chưa có vật tư, thiết bị lắp đặt. Đến năm 2017, công trình tiếp tục được bố trí đối ứng vốn ngân sách hơn 10,9 tỷ đồng. Song, một lần nữa do chậm trễ của gói thầu cung cấp vật tư dẫn đến không thể giải ngân theo kế hoạch. Cũng từ đó dự án bị dừng và hoang hóa cho đến nay.

Thanh Bình
.
.
.