Nhiều cư dân chung cư “VIP” bức xúc sau những hợp đồng mua sắm tiền tỷ

Thứ Bảy, 14/09/2024, 07:49

Với mức phí quản lý lên đến 23.000 đồng/m2, chung cư Đảo Kim Cương (ĐKC) ở TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh thuộc top đầu các chung cư cao cấp có mức phí quản lý cao nhất cả nước. Với 7 toà nhà cao tầng, khu chung cư này đang có gần 1.400 hộ dân, riêng khoản phí quản lý, mỗi năm chung cư ĐKC đã thu được trên 49 tỉ đồng.

Là chung cư cao cấp nên giá bán từ chủ đầu tư khá cao, từ đó quỹ bảo trì chung cư cũng có giá trị rất lớn, hiện còn khoảng 200 tỷ đồng. Năm ngoái, quỹ bảo trì của chung cư này đã chi hơn 19 tỷ đồng và năm nay dự kiến sẽ chi hơn 23 tỷ đồng, gồm cả khoản lãi tiền gửi 9 tỷ đồng cho việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị trong các tòa nhà. Cộng với khoản phí quản lý hơn 49 tỷ, trung bình mỗi năm Ban quản trị (BQT) và Ban quản lý (BQL) - đơn vị được thuê vận hành khu chung cư cao cấp ĐKC đang chi số tiền lên đến hơn 72 tỷ đồng cho việc vận hành và bảo trì, đây là một số tiền không hề nhỏ.

Tuy nhiên, gần đây một số gói thầu mua sắm thiết bị tại chung cư này có vấn đề khiến hàng chục người dân chung cư bức xúc, đồng loạt phản ánh, kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng. 

kcc.jpg -0
Khu chung cư cao cấp Đảo Kim Cương.

Ngày 31/12/2023, BQT, BQL chung cư và nhà thầu là Công ty TNHH công nghệ nước và môi trường Duy Nguyễn đã ký hợp đồng cung cấp và lắp đặt đèn diệt khuẩn nước sinh hoạt (đèn UV) cho hệ thống cung cấp nước sạch của chung cư. Trong hợp đồng này, sản phẩm được yêu cầu cung cấp và lắp đặt được ghi rõ gồm 80 bóng đèn UV, 1 ống thạch anh và 1 ballast có nhãn hiệu Culligan, xuất xứ Italy, giá trị hợp đồng là 686,8 triệu đồng, thời hạn cung cấp và lắp đặt là 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng.

Tháng 5/2024, các bóng đèn UV đã được nhà thầu cung cấp, lắp đặt, sau đó được nghiệm thu, đưa vào sử dụng tại chung cư. Tuy nhiên các bóng đèn này lại mang nhãn hiệu Puro, xuất xứ Trung Quốc, được nhập về từ Italy. Lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng nước do trước đó nhiều người dân đã không đồng ý việc thay thế loại bóng đèn có giá rẻ, nhiều người dân đã yêu cầu BQT, BQL cung cấp hồ sơ gói thầu này và phát hiện nhà thầu đã dùng một bộ chứng từ nhập khẩu của lô hàng khác, không liên quan đến lô hàng đã giao cho chung cư để nghiệm thu, thanh toán với BQT và BQL.

Trong đó tờ khai hải quan mang seri 106168814360 đã bị sửa lại cho phù hợp với số bóng đèn đã giao cho chung cư ĐKC. Nhưng dù đã bị chỉnh sửa, tờ khai hải quan này vẫn không khớp với lô hàng đã cung cấp thực tế. Cụ thể, tờ khai hải quan này thể hiện rằng ngày 27/3/2024 mới là ngày mở tờ khai và ngày 29/4/2024 hàng hoá mới được thông quan, lấy ra khỏi cảng. Nhưng theo biên bản giao hàng thì trước khi hàng hoá được thông quan 16 ngày, vào ngày 13/3/2024, nhà thầu đã giao cho chung cư ĐKC 60 bóng đèn UV.

Điều khiến nhiều cư dân bất ngờ là trong cuộc họp ngày 9/6/2024, nhà thầu đã xác nhận việc sử dụng bộ chứng từ không khớp này đã được báo cáo trước cho BQT và BQL. Ngoài ra, trong bộ chứng từ nhập khẩu trên, nhà thầu còn cung cấp một chứng từ khác là Packing list, trên đó mã hiệu đèn UV nhập khẩu được ghi là UV-C-64-2P giống như dòng chữ in trên các bóng đèn đã giao cho chung cư ĐKC với số lượng nhập khẩu là 100 cái. Trong khi đó, mã hiệu của đèn UV thực nhập theo bộ chứng từ gốc là G64T5L/2C và số lượng chỉ là 30 cái. Vậy nhưng trong các ngày 31/5/2024 và 3/6/2024, đại diện nhà thầu vẫn gửi văn bản khẳng định đã thực hiện đúng hợp đồng và đã cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ nhập khẩu để chứng minh.

Tại cuộc họp với cư dân vào ngày 9/6/2024, đại diện nhà thầu vẫn khẳng định như vậy, chỉ sau khi bị chất vấn về thời gian trên bộ chứng từ không khớp, nhà thầu mới thừa nhận là bộ chứng từ sai. Nhiều cư dân còn bức xúc bởi trước đó BQT đã 2 lần bác hồ sơ do BQL chung cư trình về việc mua thiết bị độc quyền của Công ty Duy Nguyễn. Nhưng khi lập hồ sơ mời chào giá sau đó, BQT đã tiếp tục ghi cụ thể yêu cầu đèn UV có nhãn hiệu Culligan và xuất xứ Italy. Điều này đã tạo điều kiện để nhà thầu duy nhất là Công ty Duy Nguyễn độc quyền tham gia. Từ đó, nhà thầu có cơ hội đẩy giá bán lên cao hơn.

Theo giá kê khai trên hồ sơ hải quan của nhà thầu, mức giá bóng đèn nhập khẩu các lô hàng để thực hiện hợp đồng chỉ tăng khoảng 8% so với lô hàng nhập trước đó, nhưng đến khi BQT chung cư ĐKC ký hợp đồng, mức giá bán đã tăng thêm gần 40% so với lần chào giá trước đó của nhà thầu. Từ mức hơn 463 triệu đồng trong lần chào giá ngay trước đó đã tăng lên 624 triệu khi ký hợp đồng. Với giá hơn 8 triệu đồng/bóng, BQT chung cư đã phải mua cao hơn khoảng 2,5 lần so với giá nhà thầu kê khai, tính thuế khi nhập khẩu. Còn nếu so sánh với mức giá do cư dân khảo sát đối với bóng đèn cùng loại mua từ Trung Quốc hoặc từ châu Âu hay thị trường Mỹ, mức giá trên còn cao hơn nhiều lần.

Giải thích với chúng tôi về việc dùng bộ hồ sơ hải quan khác được chỉnh sửa, cắt dán để chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho lô hàng giao cho chung cư ĐKC, ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Duy Nguyễn cho biết là do nhân viên nhầm lẫn trong lúc ông đang đi công tác nước ngoài. Ngay sau cuộc họp với cư dân, ngày 10/6 vừa qua công ty đã cung cấp lại bộ hồ sơ nhập khẩu đúng theo lô hàng đã giao và lắp đặt cho chung cư ĐKC.

Đối với thắc mắc “Vì sao trong hợp đồng không ghi rõ là cung cấp bóng đèn nhãn hiệu Puro để lắp cho thiết bị xử lý nước của Culligan mà lại ghi là bóng đèn Culligan khiến nhiều cư dân cho rằng đây là sự lập lờ để mua bán với giá cao”, ông Dũng đã viện dẫn tài liệu từ hãng và khẳng định không có bóng UV Culiigan, mà hãng chỉ có bóng UV nhãn hiệu Puro để lắp cho hệ thống xử lý nước của Culligan.

Ngày 19/8 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Dũng cũng đã có văn bản giải trình, cam kết với BQT và BQL chung cư ĐKC với lời đề nghị nếu BQT, BQL và cư dân còn nghi ngờ nguồn gốc, xuất xứ của lô hàng có thể mời đơn vị độc lập để thẩm định. “Nếu BQT tìm được nhà cung cấp khác có mức giá tốt hơn, công ty chấp nhận thu hồi lại hàng hóa và hoàn trả lại tiền cho chung cư”, ông Dũng khẳng định.

Trước bức xúc của nhiều cư dân, ngày 6/8 vừa qua Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức đã có văn bản gửi BQT chung cư ĐKC đề nghị thực hiện việc quản lý, vận hành nhà chung cư theo đúng quy định pháp luật và bộ quy chế của tòa nhà đã được hội nghị nhà chung cư thông qua. Đặc biệt lưu ý đến trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đến cư dân theo quy định.

Trong quyết định công nhận BQT chung cư ĐKC nhiệm kỳ 2024-2027 ban hành trước đó, UBND phường cũng đã xác định rõ mô hình hoạt động của BQT theo mô hình HĐQT của công ty cổ phần. Dù các thành viên BQT đã được cư dân tín nhiệm bầu và được hưởng thù lao hàng tháng, nhưng trao đổi với chúng tôi trước những bức xúc của cư dân về giá mua bóng đèn UV cao, hồ sơ mời thầu, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của lô bóng đèn này có vấn đề vẫn được nghiệm thu, thanh toán, tên sản phẩm trong hợp đồng lập lờ…

Ông Nguyễn Ngọc Kiêm, Trưởng BQT và Nguyễn Văn Quang, đại diện đơn vị vận hành chung cư ĐKC đều cho rằng các thành viên BQT đều kiêm nhiệm và năng lực còn phần nào hạn chế. Đồng thời đây là nhà cung cấp độc quyền lên để thay thế đúng sản phẩm theo hệ thống của chung cư, BQT, BQL đã buộc phải mua. Tuy nhiên thắc mắc của cư dân là vì sao phải mua với giá cao như vậy thì vẫn chưa được giải thích thỏa đáng.

Bảo Sơn
.
.
.