Lâm cảnh “được mùa, mất giá”, hàng ngàn tấn bí đỏ đang cần “giải cứu”
Nằm ở địa phận tiếp giáp giữa ba tỉnh Khánh Hòa - Phú Yên - Đắk Lắk, Ninh Sơn là một xã phía Tây Bắc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) và cũng là điểm cuối cùng trên tuyến tỉnh lộ 7 kết nối vùng biển với đồng bằng, miền núi Ninh Hòa.
Trong số 1.672 hộ gia đình ở vùng đất này có hơn 85% người dân sinh sống bằng nghề trồng trọt nông - lâm, nuôi cá nước ngọt, gia súc, gia cầm. Với tiềm năng rừng và đất rừng rộng lớn hơn 15.000ha, chiếm 87,7% diện tích tự nhiên, người dân địa phương không chỉ phát triển rừng trồng, mà còn đẩy mạnh sản xuất nông sản và nơi này là vùng chuyên canh bí đỏ.
Những năm gần đây, bí đỏ được mùa, cao giá, nên mùa vụ năm nay nhiều người dân mở rộng diện tích trồng trọt loại nông sản này tăng gấp đôi nhưng không dự báo trước tình huống xấu có thể xảy ra, nên đến kỳ thu hoạch sản lượng tăng cao nhưng giá bí đỏ rớt xuống thê thảm chỉ bằng 25% so với mùa vụ trước, khiến cho nông dân lâm cảnh lao đao, nguy cơ thua lỗ nặng nề. Nếu như năm trước, mỗi cân bí đỏ được thương lái thu mua tại nương rẫy với giá 7.000-12.000 đồng, thì nay mức giá tụt xuống còn 1.800-3.000 đồng bí hạt đậu, 2.200-3.500 đồng bí bánh xe, nhưng mức tiêu thụ vẫn giảm sút mạnh. Hơn 1 tháng qua, nhiều hộ nông dân thu hoạch bí đỏ chất chồng rồi “đắp chiếu” nằm chờ người mua. Một số gia đình chở bí đỏ đi bán lẻ nhiều nơi nhưng không được bao nhiêu so với số lượng thu hoạch được.
Bà Nguyễn Thị Thủy, một trong những nông dân trồng bí đỏ ở xã Ninh Sơn than thở: “Phần thì bí đỏ chưa kịp thu hoạch trên nương rẫy bị hư hao, phần thì chở về nhà chất chồng rồi cho gia súc ăn nhưng vẫn không hết, để lâu thì hư thối”. Còn ông Lâm Văn Viết cho biết, mỗi ha trồng bí đỏ phải đầu tư 22-25 triệu đồng tiền giống, vật tư phân bón, nhân công, nhưng trước tình cảnh “được mùa, rớt giá” thì không dễ gì thu lại được vốn mà cầm chắc thua lỗ nặng nề.
Trao đổi với PV Báo CAND, ông Đào Trung Hải, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết, do năm trước năng suất bí đỏ tăng cao, giá bán khá tốt nên năm nay nông dân “đua” nhau trồng với hy vọng tiếp tục “được mùa, ổn giá”. Nhiều gia đình tranh thủ quỹ đất trống trên rẫy keo mới khai thác chưa kịp đâm chồi để trồng xen canh bí, nên diện tích bí đỏ năm nay ở xã Ninh Sơn gần 450ha, tăng gấp đôi so với năm trước. Không ngờ giá cả tụt xuống mạnh, thương lái mua không nhiều nên đến thời điểm này lượng bí đỏ còn tồn đọng hàng ngàn tấn.
Nói về nguyên nhân bí đỏ rớt giá, nhiều nông dân ở xã Ninh Sơn cho biết diện tích và sản lượng bí đỏ ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Đắk, Lắk đang tăng cao khiến cho bí đỏ ở địa phương này tồn đọng khi đang đến kỳ thu hoạch.
Trong những ngày qua, UBND cùng Hội Nông dân xã Ninh Sơn đã và đang nỗ lực tìm kiếm biện pháp “giải cứu” bí đỏ cho nông dân bằng cách rao chào trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội kết hợp liên hệ những nhà ăn tập thể của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang. Một số tổ chức, cá nhân ở Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Lâm Đồng cũng đã đến Ninh Sơn hỗ trợ cho nông dân, nên 20 ngày qua đã “giải cứu” được gần 1.600 tấn với mức giá mỗi cân bí hạt đậu 2.000-2.500 đồng, bí bánh xe 3.000-3.500 đồng. Trong đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trầm Hương, Trung tâm quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa,… đã mua hỗ trợ hơn 4 tấn.
Được biết, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trao đổi thông tin với Sở Công thương các tỉnh, thành phố, Trung tâm xúc tiến thương mại của các địa phương và một số đầu mối phân phối trong tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ tiêu thụ nguồn bí đỏ ở xã Ninh Sơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là người nông dân ở xã Ninh Sơn nói riêng và những vùng chuyên canh nông sản khác nói chung cần được cơ quan chức năng định hướng đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, dự báo tình hình thị trường trước mỗi mùa vụ, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm… để tránh tình trạng “được mùa, mất giá”, nông dân lâm cảnh khốn khó.