“Giải cứu” nông sản trên sàn thương mại điện tử

Thứ Sáu, 19/03/2021, 09:08
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Hải Dương và một số địa phương gây khó khăn cho việc tiêu thụ hàng loạt nông sản thì việc đưa nông sản lên một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), hay trên các trang mạng xã hội bán với mức giá hợp lý và có truy xuất nguồn gốc, giá thành vận chuyển ưu đãi đã góp phần giúp người nông dân giải phóng được một lượng lớn hàng hoá bị ùn ứ.

Đây là tín hiệu tích cực trong việc “giải cứu” nông sản nhưng xét về dài hạn thì việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là hướng đi mà người dân nên quan tâm và đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Việt

Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) cho biết, đơn vị đã triển khai tính năng “Mua chung giá rẻ” trên sàn TMĐT Vỏ Sò (voso.vn) để mở gian hàng, tổ chức thu gom và phân phối nông sản cho người dân Hải Dương lúc này đang ế ẩm, khó tiêu thụ do dịch COVID-19 lây lan rộng trong toàn tỉnh. Chỉ sau hơn 2 ngày triển khai, sàn này đã hỗ trợ các hộ nông dân Hải Dương tiêu thụ được hơn 7 tấn rau củ, 80.000 trứng gà và hơn 850 con gà. Hiện nay, sàn TMĐT này vẫn giới thiệu nông sản tỉnh Hải Dương ở trang chủ, vị trí dễ nhìn để người mua dễ theo dõi, tiếp cận.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT đã được nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp (DN) sử dụng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đặc sản của địa phương, DN giới thiệu với người tiêu dùng. Cách quảng bá và bán hàng này đã mở ra cánh cửa tiêu thụ cho các đơn vị, DN sản xuất tiêu thụ nông sản được thuận lợi hơn, hàng hoá được nhiều người biết đến hơn và qua đó tìm được các nhà phân phối lớn, góp phần tìm được đầu ra cho sản phẩm. Theo chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết, HTX đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn Voso.vn từ tháng 7/2019. 

Viettel Post hỗ trợ phí vận chuyển, áp dụng đồng giá 11.000 đồng cho đơn hàng trọng lượng tới 30kg từ Hải Dương đến một số địa phương.

Đến nay, HTX được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể. “Đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT đã giúp DN, HTX, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến. 

Đây cũng là kênh thông tin giúp DN quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí... Với những lợi ích như vậy thì ngay chính bản thân người nông dân phải chủ động học hỏi và tiếp cận chuyển đổi số”, chị Phạm Thị Thủy chia sẻ. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Tổng Giám đốc sàn giao dịch TMĐT Sendo, hiện các mặt hàng nông sản được đưa lên sàn TMĐT còn khá khiêm tốn. Trên Sedo có 35.000 shop bán hàng thì chỉ có 10.000 shop bán hàng thực phẩm, chủ yếu là đồ ăn chín như bún chả, bánh cuốn, cơm văn phòng..., còn nông sản rất ít. Trong khi đó, một trong những khó khăn khi đưa nông sản lên sàn giao dịch TMĐT là niềm tin đối với người tiêu dùng và chi phí cho Logistics còn quá cao.

Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM-Bộ Công Thương) cho biết, việc kết nối nông sản của các địa phương với các sàn TMĐT nhằm từng bước thiết lập chuỗi giá trị cho từng sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, hỗ trợ DN đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Đây là hoạt động mang tính chiến lược và bền vững cho tất cả các mặt hàng tiềm năng trên phạm vi toàn quốc. 

Gần đây nhất, Cục Xúc tiến thương mại cũng phối hợp với sàn TMĐT Sendo triển khai Gian hàng “Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại”, hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm của DN, hỗ trợ nâng cao năng lực TMĐT cho các đối tượng là DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thiết lập kênh tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hàng tiêu dùng… Trước mắt, gian hàng tập trung hỗ trợ giải quyết khó khăn cho các sản phẩm nông sản trong và sau thời kỳ dịch bệnh. 

Đặc biệt, tới đây Cục XTTM sẽ phối kết hợp với Sở Công Thương và Sở NN&PTNT tại một số địa phương xúc tiến sản phẩm theo các hình thức như: Kết nối trực tiếp trong chuỗi cung ứng, thúc đẩy TMĐT thông qua các sàn trong nước và quốc tế, huấn luyện và đào tạo trong chuỗi cung ứng về truy xuất nguồn gốc, xúc tiến bán hàng, TMĐT, xây dựng hình ảnh sản phẩm…

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, TP Hà Nội hiện có hơn 284.000 DN, cùng mạng lưới phân phối hiện đại. Với 10,3 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Vì thế, các chương trình khuyến mại được kỳ vọng là đòn bẩy kích cầu mua sắm, từ đó kích thích sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô năm 2021. Hiện, Hà Nội tiếp tục thúc đẩy phát triển TMĐT, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và bối cảnh có dịch COVID-19; hỗ trợ DN hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng trong nước.

Trước đó, tại hội thảo về Tiền điện tử (Mobile Money), Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Mobile Money sẽ là giải pháp để đưa người dân tiếp cận tới các dịch vụ (có trả phí) mang tính “đổi đời” trên nền tảng Internet như: Y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội. Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Theo đó, Mobile Money giúp người dân thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao.

Theo các chuyên gia, giải pháp đưa nông sản - một nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam lên sàn TMĐT là giải pháp hữu hiệu để nông sản dần thoát cảnh “được mùa mất giá” hoặc phải “giải cứu”. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ rất nhiều cho người nông dân. Bởi, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, không có cách nào khác là DN, HTX và người dân phải tiếp cận và áp dụng công nghệ để thay đổi cuộc chơi. 

Do vậy, việc kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT vừa là một giải pháp tình thế lúc dịch bệnh, tránh tình trạng “giải cứu” tự phát, vừa hiện thực hóa chuyển đổi số này. Tuy nhiên, các sàn TMĐT cho biết, để nông sản được “lên sàn”, sản phẩm nhất định phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, phải truy xuất được nguồn gốc, chất lượng đảm bảo và minh bạch về thông tin.

Lưu Hiệp
.
.
.