Đường hơn 1.500 tỷ đội vốn giải phóng mặt bằng 300 tỷ đồng
Dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng đang gặp nhiều khó khăn khi kinh phí giải phóng mặt bằng tăng hơn 300 tỷ đồng. Trước nguy cơ chậm tiến độ, tỉnh Đắk Lắk đã phải cầu cứu lên Trung ương.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột) vừa gửi báo cáo và kiến nghị đến Bộ GTVT (cơ quan ra quyết định đầu tư dự án trên) để xin tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Theo báo cáo, Dự án đường tránh Đông TP Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, 100% vốn ngân sách Trung ương, thời gian thực hiện từ 2020-2023. Dự án có chiều dài toàn tuyến hơn 39km, đi qua 3 huyện Cư Kuin, Krông Pắk, Cư M’gar và TP Buôn Ma Thuột. Đến nay, dự án đã được giải ngân gần 660 tỷ đồng/hơn 1.044 tỷ đồng vốn đã bố trí.
Tuy nhiên, dự án nghìn tỷ này đang gặp phải khó khăn khi kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) tăng lên hơn 700 tỷ đồng (tăng hơn 300 tỷ đồng so với mức tính toán ban đầu là hơn 400 tỷ đồng). “Việc thiếu hơn 300 tỷ đồng là vượt quá khả năng cân đối điều chỉnh trong dự án cũng như ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh Đắk Lắk thu không đủ chi-PV)”, kiến nghị nêu.
Cũng theo kiến nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban quản lý), trước thực trạng trên, Ban quản lý kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh chủ trương đầu tư theo phương án cắt giảm một số hạng mục trong dự án như: giảm kết cấu đường gom, đường dân sinh; giảm bề rộng mặt đường từ 11m xuống còn 9m; giảm gia cố lề bằng BTXM… hoặc giữ nguyên theo quy mô đầu tư của dự án đã được duyệt nhưng điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư dự án do chi phí bồi thường GPMT tăng.
Cũng theo kiến nghị của Ban quản lý dự án, hiện nay, một số nhà thầu thi công chính và phụ đã tạm ứng tiền nhưng lại không triển khai thi công. Điển hình như tại gói thầu số 4 từ Km20+500 đến Km39+606,77 do Công ty TNHH XD&TM Sài Gòn; Công ty TNHH An Nguyên; Công ty TNHH MTV xây dựng 470; Công ty CP Licogi16.6 và Công ty TNHH Phương Đông đảm nhiệm có giá trị hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Licogi 16.6 đảm nhận thi công hơn 9km, giá trị đảm nhận theo hợp đồng hơn 180 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 35,6% gói thầu số 4), nhưng chưa triển khai công việc theo hợp đồng.
Ngoài ra, tại gói thầu số 3 của dự án cũng gặp rắc rối khi nhà thầu phụ là Công ty TNHH Phương Đông đã tạm ứng hơn 44 tỷ đồng và được một ngân hàng bảo lãnh vô điều kiện nhưng không hoàn ứng khối lượng theo quy định. Chủ đầu tư đã nhiều lần yêu cầu công ty này trả lại số tiền đã tạm ứng và phía ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả số tiền đứng ra bảo lãnh cho công ty nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Trước thực trạng trên, Ban quản lý dự án đã yêu cầu ngân hàng đứng ra bảo lãnh phải hoàn trả số tiền tạm ứng trước ngày 2/10 tới.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án cũng kiến nghị Bộ GTVT đồng ý chủ trương giao chủ đầu tư xem xét, quyết định chấm dứt hợp đồng với nhà thầu là Công ty CP Licogi 16.6 (đã chấp thuận điều chuyển toàn bộ giá trị khối lượng sang cho các nhà thầu khác) phần khối lượng này được áp dụng hình thức chỉ định thầu và đơn vị được chỉ định thầu phải đủ năng lực thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ của gói thầu.