Đảm bảo an toàn giao thông phải là ưu tiên hàng đầu (bài cuối)
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây tổng nhu cầu vốn cần cho việc duy tu, bảo trì hạ tầng đường bộ tại thành phố đã tăng từ 2.177 tỉ đồng vào năm 2016 lên mức 4.190 tỉ đồng vào năm 2020. Tuy vậy, các nguồn vốn ngân sách đầu tư cho việc bảo trì kết cấu công trình hạ tầng giao thông do Sở GTVT quản lý trong giai đoạn 2016-2020 mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.
Riêng đối với hệ thống hạ tầng giao thông được giao cho cấp huyện quản lý, nguồn vốn chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Tình trạng này khiến nhiều tuyến đường dù bị hư hỏng nặng cũng không có đủ vốn để bố trí sửa chữa kịp thời gây mất an toàn giao thông.
Nhu cầu vốn bảo trì lòng đường, vỉa hè thiếu gay gắt, trong khi đó có những nguồn thu từ hạ tầng giao thông khác lại đang bị bỏ phí trong thời gian dài. Cụ thể, Sở GTVT đã rà soát và ghi nhận có 882 trụ bảng quảng cáo, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông với 856 trụ nằm hoàn toàn trong phạm vi đất của đường bộ. Trong số này, các đơn vị thuộc Sở GTVT chỉ quản lý 499 trụ, các quận, huyện quản lý 168 trụ, còn lại có đến 189 trụ chưa xác định được đơn vị quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ năm 2014 và 2016, Sở GTVT đã giao Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ ký hợp đồng cho thuê vị trí để lắp đặt các trụ đèn quảng cáo, cổ động với thời gian không quá 6 tháng. Đơn giá cho thuê vị trí lắp đặt các bảng quảng cáo này theo quy định của UBND thành phố ở mức 10 triệu đồng/vị trí/năm đối với bảng quảng cáo có diện tích từ 10m2 trở lại, với bảng có diện tích trên 10m2, giá cho thuê vị trí là 15 triệu đồng/năm. Đến nay việc cho thuê vị trí đặt bảng quảng cáo này đã thu về hơn 30 tỉ đồng cho Quỹ bảo trì đường bộ.
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu phát triển thành phố cho thấy, chỉ có 48% số chủ cửa hàng đồng ý đăng ký trả phí để được sử dụng tạm hè phố. Những người không đồng ý cho rằng hè phố trước nhà họ, họ có quyền sử dụng tạm mà không cần đăng ký. Đối với người bán hàng rong, có 61% số người cố định và 36% người bán hàng rong di động được khảo sát đồng ý đăng ký sử dụng hè phố. Như vậy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân sinh sống ở mặt tiền đường không đồng ý và có thể dẫn đến xung đột lợi ích nếu chính quyền địa phương cho người từ nơi khác đến sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường phía trước nhà họ.
“Đa số các hộ dân có nhà mặt tiền đều tự kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng để kinh doanh, dịch vụ. Vì vậy, địa phương không thể cho người từ nơi khác đến thuê phần vỉa hè ngay phía trước nhà dân để mở bãi giữ xe hoặc kinh doanh lâu dài, gây cản trở việc ra vào nhà, buôn bán của hộ kinh doanh mặt tiền đường. Ngược lại chính quyền chỉ có thể cho người kinh doanh tại chỗ thuê phần vỉa hè phía trước để họ sử dụng tạm”, ông Hữu Sơn, một người dân ở quận 3 bày tỏ quan điểm trước dự kiến cho thuê sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường.
Chỉ ra mức thu phí sử dụng tạm vỉa hè trong 26 năm qua thành phố vẫn áp dụng là 12 nghìn đồng/m2/tháng, Sở GTVT cho rằng mức thu này là quá thấp, không phù hợp thực tế. Từ năm 2005 đến nay, UBND các quận 1, 3 và 5 đã áp dụng mức thu dừng đỗ ôtô dưới lòng đường theo lượt với giá 5 nghìn đồng. Song mức thu thấp như vậy cũng đã dẫn tới tình trạng chủ phương tiện lợi dụng để biến lòng đường thành bãi đỗ xe, thời gian đỗ kéo dài cả ngày lẫn đêm.
Để khắc phục hạn chế này, năm 2018, HĐND thành phố đã ban hành mức phí đỗ ôtô dưới lòng đường theo giờ, phổ biến từ 20-30 nghìn đồng/giờ tùy loại xe. Nhưng sau đó, việc cho phép ôtô đỗ tạm dưới lòng đường có thu phí cũng chỉ được 3 quận trên thực hiện tại 20 tuyến đường với vẻn vẹn 879 chỗ đỗ xe ôtô và số phí thu được đến nay cũng chỉ khoảng 27 tỉ đồng. Sở GTVT cho rằng mức phí đỗ xe dưới lòng đường theo giờ đến nay vẫn phù hợp nên đề xuất không thay đổi.
Sau khi tham khảo mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố để trông giữ xe ôtô và kinh doanh của TP Hà Nội, Đà Nẵng cộng với kết quả 3 mức phí được Viện nghiên cứu phát triển thành phố đưa ra khảo sát là dưới 50 nghìn đồng/m2/tháng, từ 50-100 nghìn đồng và mức trên 100 nghìn đồng, Sở GTVT đã đề xuất việc thu phí tại thành phố chia làm 5 khu vực với mức phí cho thuê vỉa hè để kinh doanh, dịch vụ từ 20 - 100 nghìn đồng/m2/tháng, trừ hoạt động đỗ xe, trông giữ xe có thu tiền.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Sở GTVT cho rằng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe hơi của người dân ngày càng có xu hướng tăng thêm nên hệ thống bến bãi hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu đậu, đỗ xe. Việc thu phí tạm thời lòng đường, vỉa hè là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo cho người dân có chỗ đỗ xe tạm thời theo nhu cầu, vừa tạo thêm nguồn thu để giảm gánh nặng ngân sách thành phố chi cho việc bảo đảm kết cầu hạ tầng đường bộ. Từ đó có điều kiện tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng bến, bãi dừng đậu xe theo quy hoạch.
Dù việc cho phép sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè là chủ trương lớn được thực hiện trên diện rộng tại thành phố, nhiều chuyên gia về giao thông vẫn cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài TP Hồ Chí Minh vẫn phải ưu tiên dành quỹ đất “vàng” ở khu vực trung tâm để phát triển hệ thống bến, bãi dừng dậu xe. Đồng thời phải đặt ưu tiên về an toàn giao thông, ùn tắc giao thông và ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng trước khi xem xét cho phép sử dụng lòng đường, vỉa hè ở bất cứ đoạn đường nào.
Để giải quyết nhu cầu về chỗ đậu xe tại thành phố trước mắt, chuyên gia Mai Trọng Tuấn cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần sử dụng những tuyến đường rộng 60-120m, chưa sử dụng hết công suất ở các cửa ngõ như đường Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Kinh Dương Vương, Võ Văn Kiệt… để lập các bãi đỗ xe tạm. Làm vậy vừa có thể giải quyết ngay được một phần nhu cầu về đỗ xe vừa có thể phát triển xe buýt để người dân lưu thông vào trung tâm nhằm tránh quá tải phương tiện ở khu vực này.