Loay hoay chuyện sử dụng lòng đường, vỉa hè ở TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 28/08/2023, 06:04

Sau gần 15 năm thực hiện quyết định ngày 23/10/2008 về việc cho phép sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè trên địa bàn phục vụ kinh doanh dịch vụ và đậu xe, ngày 26/7 vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành quy định mới về vấn đề này.

Theo đó, từ ngày 1/9 tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục được sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè vào việc trung chuyển rác thải, trông giữ xe và hoạt động văn hóa, thể thao… ở những nơi được quy hoạch có trả phí hoặc không phải trả phí. Xung quanh cách làm này, còn những vấn đề cần được cân nhắc để tránh xung đột lợi ích của các bên…

1.jpg -0
Một phần đất công viên được sử dụng làm bãi đậu xe ôtô.

Bài 1:  Khi lòng đường, vỉa hè thay quy hoạch bãi đỗ xe

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), so với quyết định trước đây, trong quyết định lần này UBND TP Hồ Chí Minh đã phân cấp cho UBND cấp quận, huyện và Sở GTVT lập danh mục những tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện tổ chức điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa và điểm giữ xe hai bánh.

Sau khi UBND thành phố có quyết định trên, ngày 8/8 Sở GTVT đã hoàn thiện dự thảo đề án thu phí và dự thảo Nghị quyết trình HĐND thành phố ban hành mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn gửi Sở Tư pháp, Sở Tài chính để thẩm định.

Trong đề án này, Sở GTVT đã chỉ rõ, hiện thành phố có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên thì đã có đến 3.631 tuyến lòng đường chỉ rộng rộng dưới 7,5m. Tổng cộng cũng chỉ có 2.271 tuyến đường có vỉa hè và trong số này cũng chỉ có 929 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3m trở lên. Theo đánh giá của Sở GTVT, với hơn một nửa số tuyến đường không có vỉa hè thường xảy ra tình trạng người dân dừng, đậu xe dưới lòng đường. Với số tuyến đường có vỉa hè, cũng chỉ có chưa đầy 25% chiều dài vỉa hè có thể xem xét cho sử dụng tạm ngoài mục đích giao thông.   

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh làm căn cứ triển khai đề án sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè lần này đã cho thấy, nhiều tuyến vỉa hè bị lấn chiếm để sử dụng vào những mục đích khác nhau. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi người đi bộ phải đi dưới lòng đường và vệ sinh môi trường cũng bị ảnh hưởng do tình trạng xả rác của các đối tượng sử dụng.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển cũng chỉ ra rằng, có đến 92% số cửa hàng sử dụng vỉa hè để đậu xe máy cho khách hàng trong phạm vi 1-1,5m bề rộng hè phố. Tại những tuyến vỉa hè đã được chính quyền địa phương kẽ vạch phân định dành cho người đi bộ, các hộ kinh doanh mặt tiền đậu xe tự quản trên vỉa hè hoặc trưng bày hàng hóa chấp hành tốt nhất. Cửa hàng ăn uống tuân thủ việc không lấn chiếm ra ngoài vạch sơn kèm hơn và chấp hành kém nhất là những người bán hàng rong.

Việc quản lý sử dụng vỉa hè được giao trách nhiệm chính cho các đội trật tự đô thị (TTĐT) quận, huyện nên sau kiểm tra, vỉa hè vẫn bị tái lấn chiếm. Trong khi đó, các đội quản lý TTĐT đang rất khó khăn về nhân sự, không đủ nhân lực để quản lý địa bàn, chế độ lương của đội ngũ cộng tác viên TTĐT chỉ có 2 triệu đồng/tháng nên dễ dẫn tới tiêu cực trong thực thi công tác. Nếu mạnh tay xử lý sẽ tạo sử phản kháng, chống đối của người dân lực lượng này. Do đó, việc kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường tại thành phố hiện nay vẫn phụ thuộc vào Công an.

Chưa kể lượng xe cá nhân từ các tỉnh, thành khác được người dân đưa về sử dụng, với số lượng ôtô, xe máy cá nhân tăng rất nhanh hằng năm, hiện đã đạt khoảng 890 nghìn xe ôtô và gần 8 triệu xe gắn máy, những năm qua TP Hồ Chí Minh cứ phải loay hoay với chuyện sử dụng tạm một phần lòng đường, vỉa hè để đáp ứng nhu cầu về chỗ đậu xe. Nhưng điều hết sức bất ngờ là theo quy hoạch phát triển GTVT TP Hồ Chí Minh cho giai đoạn trước và sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 8/4/2013, thành phố được phép dành 1.146 ha tại 126 vị trí để xây dựng hệ thống bến, bãi giao thông tĩnh. Hệ thống bến, bãi này đáp ứng cho 7 loại hình là bãi đỗ xe công cộng, bãi ôtô hàng hóa, bãi kỹ thuật xe buýt, bến xe buýt, bến xe liên tỉnh, bãi xe taxi, bến xe hàng. Trong đó thành phố sẽ phải xây dựng tới 42 bãi đỗ xe công cộng với diện tích lên đến 326 ha.

Nhưng đến nay theo thống kê của Sở GTVT, trên địa bàn mới chỉ có vẻn vẹn 4 vị trí được đưa vào khai thác, tổng diện tích khiêm tốn là 2,69 ha. Riêng khu vực trung tâm thành phố gồm các quận 1, 3, 4 và 5 cũng đã được phép dành 14,8 ha làm bãi đỗ xe nhưng đến nay cũng mới chỉ khai thác được 2,7 ha. Đối với xe taxi, tuy đã được quy hoạch 15 vị trí làm bãi đỗ, thì hiện thành phố chưa thể triển khai được vị trí nào.

Để giải quyết nhu cầu về chỗ đậu, đỗ xe ôtô và xe máy trên địa bàn, từ nhiều năm trước, nhà đầu tư đã đề nghị thành phố cho một phần diện tích đất vốn đã chật hẹp để xây dựng nhà đậu xe cao tầng dạng lắp ghép tại 9 bệnh viện lớn trên địa bàn. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển hệ thống đậu xe cao tầng khác cũng đã đề xuất đầu tư xây dựng nhà đậu xe thông minh tại 4 địa điểm thuộc địa bàn quận 1 là khu vực Công trường Lam Sơn, công viên 23-9, công viên Tao Đàn và công viên Lê Văn Tám. Một doanh nghiệp khác thì mạnh dạn đề xuất với thành phố được làm hệ thống dàn đậu xe nổi lắp ghép bắc ngang các tuyến kênh lớn như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé…

Tuy vậy, những dự án này sau đó vì nhiều lý do đã hầu như không được triển khai.

Đã vậy, sau cả chục năm xúc tiến, các dự án bãi đậu xe ngầm phía dưới các công viên ở khu vực trung tâm thành phố cũng “chết yểu”. Đến nay, thành phố vẫn cứ loay hoay với bài toán tìm chỗ dừng, đậu cho ôtô, xe máy, nhất là ở khu vực trung tâm. Đồng thời để giảm lượng ôtô cá nhân vào trung tâm, TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ phương án khoanh vùng để thu phí đối với xe ôtô vào khu vực này. Song vấn đề đặt ra là nếu lượng xe ôtô vào trung tâm không giảm sau khi thu phí, thành phố sẽ lấy đâu ra bến bãi để đáp ứng nhu cầu về chỗ đậu xe?

Bảo Sơn
.
.
.