Âm ỉ nạn chiếm phá rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất

Thứ Hai, 21/08/2023, 07:16

Trong những năm qua, Quảng Trị có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển rừng trồng sản xuất, cùng với giá thu mua cao, đã mang lại nguồn lợi nhuận khá cho người trồng rừng. Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến nhiều hécta rừng tự nhiên, phòng hộ trên địa bàn bị xâm hại, khai thác trái phép để chiếm đất, trồng rừng sản xuất.

Trên quốc lộ 9 hướng Đông Hà – Lao Bảo, đoạn km 27 thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, chúng tôi rẽ phải, theo người dẫn đường để đi vào các khoảnh rừng tự nhiên vừa được phản ảnh bị chặt phá trên địa bàn xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông. Trước mắt, rừng hầu như phủ kín trên các diện tích, từ đỉnh xuống chân núi, bãi bằng phía dưới. Tuy nhiên, càng đi sâu vào bên trong, càng có nhiều khoảnh rừng, chúng hoặc vừa được khai thác xong, hoặc bị chặt trộm cách đây không lâu.

Việc phân biệt khu vực rừng trồng và rừng tự nhiên ở đây không khó. Bởi lẽ chúng khác nhau về loại cây, quá trình khai thác, gỗ rừng trồng được bóc, bỏ lại lớp vỏ, còn gỗ rừng tự nhiên bị cắt, xẻ thành phách hoặc vận chuyển phần lớn cây gỗ ra bên ngoài, số cành, ngọn được chất lại từng đống, sau đó bị đốt, hủy tại chỗ.

Anh Nguyễn Minh Tân, một người dân ở xã Cam Thành cho biết, đối tượng hủy hoại rừng tự nhiên ở đây để lấn chiếm đất, trồng rừng sản xuất không chỉ là người ở Cam Lộ, Đakrông, mà còn các địa phương khác như TP Đông Hà và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Ban đầu, họ thông qua các hình thức như được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nhờ người “đứng tên hộ”; mua, nhận chuyển nhượng của người khác… để đầu tư trồng rừng sản xuất. Sau đó, họ tìm cách cơi nới, lấn chiếm sang rừng tự nhiên xung quanh, bằng các phương thức, thủ đoạn tinh vi.

“Thường mỗi tháng, hay vài tháng, họ chặt, lấn chiếm một khoảnh nhỏ, đến sau vài năm, diện tích này có khi lên đến vài nghìn m2. Ngoài ra, có nhiều điểm, họ lợi dụng sự đi lại khó khăn của lực lượng chức năng, lén lút tổ chức “cạo sạch” rừng tự nhiên để trồng rừng sản xuất”, anh Tân chia sẻ.

7-1.jpg -0
Hiện trường phá rừng ở Hướng Hiệp đang được điều tra. 

Chúng tôi khảo sát tại một điểm rừng trồng vừa được khai thác xong và nhận thấy, các điểm dọc theo chân núi và khe suối, chỉ có vài cây rừng tự nhiên bị đốn hạ. Nhưng ở khu vực gần đỉnh núi, số cây này bị đốn hạ nhiều hơn gấp bội, nhựa và gốc cây còn tươi. Qua khỏi điểm rừng này khoảng 500m về phía Tây, cũng thuộc vùng rừng Hướng Hiệp, chúng tôi thấy một khoảnh rừng tự nhiên với nhiều cây lớn bị cưa hạ tận gốc. Giữa một diện tích lớn, rải rác có các điểm cành, ngọn cây được chất thành đống và đốt nhưng chưa cháy hết.

Tại đây, có hai tấm bạt nền màu đỏ, các dòng chữ màu vàng và trắng đều ghi nội dung “Khu vực rừng bị xâm hại đang điều tra, xác minh. Cấm đốt – lấy gỗ - củi”, được đóng, dán vào 2 khúc thân cây bị chặt hạ. Từ đây, quan sát rộng ra xung quanh, có nhiều khoảng trống tương tự giữa bạt ngàn màu xanh của cây rừng. Người dẫn đường cho hay, đó là những lô rừng trồng vừa được khai thác, đồng thời có nhiều điểm rừng tự nhiên bị đốn hạ, lấn chiếm đất để trồng rừng sản xuất.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, huyện Đakrông có 78.000 ha rừng phân bố trên 13 xã và thị trấn, trong đó, rừng tự nhiên chiếm diện tích lớn với 62.000ha, còn lại rừng trồng sản xuất. Đây là địa phương có số vụ phá rừng lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong những năm qua. Đặc biệt, đối với vụ phá rừng gần 14ha tại các tiểu khu 699 và 708 thuộc địa bàn xã Đakrông, xảy ra năm 2022, đến tháng 3/2023, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị đã tiến hành kỷ luật cán bộ có trách nhiệm liên quan.

Cụ thể, kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Trần Đình Thuận, Trưởng trạm Kiểm lâm khu vực Đakrông, đơn vị này trực tiếp phụ trách địa bàn xã Đakrông. Hạ một bậc đánh giá xếp loại đối với ông Trần Đại Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đakông. Ông Đức là lãnh đạo trực tiếp phụ trách Trạm Kiểm lâm khu vực Đakrông. Trước đó, Huyện ủy Đakrông kiểm tra dấu hiệu vi phạm của cán bộ liên quan vụ phá rừng kể trên, thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với các ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông và ông Trần Đình Thuận, Trưởng trạm Kiểm lâm khu vực Đakrông.

Qua trao đổi, ông Trần Đại Đức cho rằng, nguyên nhân xảy ra phá rừng trên địa bàn là do người dân thiếu đất sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các ngành, cơ quan chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng đến từng hộ dân. Đồng thời không ngừng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt nhờ sử dụng phần mềm chuyên ngành đã mang lại hiệu quả công tác cao. Tuy nhiên, điểm yếu của mềm này là chỉ phát hiện được sự biến đổi của rừng sau khi rừng đã bị chặt phá, mà không thể thay thế được công tác tuần tra trực tiếp của con người.

Đối với các vụ phá rừng trên địa bàn trong 2 năm qua, Công an huyện Đakrông đã phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, tiến hành điều tra, xác minh, khởi tố 2 vụ án; tham mưu chính quyền xử phạt hành chính 7 đối tượng. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn xảy ra 3 vụ phá rừng, trong đó vụ phá rừng trên địa bàn xã Hướng Hiệp có tính chất nghiêm trọng, hiện đang được cơ quan chức năng địa phương khẩn trương điều tra, xác minh để khởi tố, xử lý nghiêm theo pháp luật.

Thanh Bình
.
.
.