Phát hiện vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn tại miền Trung

Thứ Tư, 31/05/2023, 14:19

Ông Tạ Công Khiết, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, sau gần 2 tháng mời ông Nguyễn Văn Bon (trú xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ) là chủ diện tích đất rừng bị phá, đến sáng nay 31/5, ông Bon đã đến Hạt Kiểm lâm Đức Phổ để làm rõ vụ việc.

Tại buổi làm việc này, ông Bon cho biết khoảng tháng 3/2023, diện tích rừng tự nhiên KfW6 của ông đứng tên có cho bên Tập đoàn Đèo Cả thuê sử dụng để mở đường. Còn việc đơn vị nào trực tiếp thi công mở đường, chặt hạ, san lấp cây rừng?, thì ông Bon không biết.

"Chúng tôi có mời đại diện bên Tập đoàn Đèo Cả đến làm việc liên quan mở đường vào rừng KfW6 làm đường nội vụ cho thi công tuyến đường cao tốc. Thế nhưng người đại diện bên đơn vị Đèo Cả đều bảo không biết ai chặt phá cây rừng, thi công đường", ông Tạ Công Khiết thông tin thêm.

Phá rừng tự nhiên để mở đường -0
Con đường lớn được mở trái phép vào rừng tự nhiên.
Phá rừng tự nhiên để mở đường -0
Cây rừng tự nhiên bị chặt hạ.

Trước đó, ngày 30/3/2023, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ phối hợp UBND xã Phổ Cường tổ chức kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng, phát hiện vụ phá rừng tự nhiên để mở con đường dài gần 1 km tại lô 25, 26, khoảnh 8 tiểu khu 334, diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá 7.541 m2.

Tại thời điểm kiểm tra, không xác định đối tượng vi phạm, Hạt Kiểm lâm phối hợp UBND xã Phổ Cường xác lập hồ sơ vụ phạm để xác minh.

Theo biên bản kiểm tra vào ngày 30/3/2023 được Hạt kiểm lâm huyện Đức Phổ cung cấp, trữ lượng gỗ bị tàn phá trên 9,2 m3. Các đối tượng dùng máy đào bới phá cây rừng, thân cây gỗ bị phá còn nằm nguyên ở hiện trường. Tại hiện trường cho thấy mặt đường san ủi mở rộng trên 10m, chiều dài hàng trăm mét. Các cây rừng tự nhiên, trong đó cây lim, sao đen… nhiều năm tuổi bị cưa hạ, vùi lấp.

Qua điều tra, Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ xác định, ông Nguyễn Văn Bon là chủ sở hữu khu rừng nói trên. Qua trao đổi điện thoại vào thời điểm đó, ông Bon cho rằng tại vị trí phá rừng (mở đường), ông đã giao toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan cho Tập đoàn Đèo Cả (từ tháng 2/2023) để lập các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến việc thi công công trình cho cấp thẩm quyền phê duyệt.

Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ đã liên hệ với ông Bùi Hồng Đăng, Giám đốc điều hành gói thầu xây lắp 02, thuộc Tập đoàn Đèo Cả. Ông Đăng xác nhận, phía Công ty thuê 15 thửa đất rừng sản xuất của ông Nguyễn Văn Bon, ở xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ để thi công.

“Chiều 30/5, phía Tập đoàn Đèo Cả đã giao được một số hồ sơ về việc thuê các thửa đất nói trên. Tuy nhiên, việc thuê đất này có đúng quy định của pháp luật hay không thì chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng liên quan phối hợp kiểm tra. Còn về giấy phép mở đường tại khu vực này thì phía Tập đoàn Đèo Cả chưa cung cấp”, ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ thông tin.

Theo Hạt kiểm lâm và chính quyền địa phương xã Phổ Cường, việc mở đường chặt hạ cây rừng dự án KfW6 trên chưa được cho phép của các cấp chính quyền địa phương, ngành chức năng và đoạn đường mở vào rừng tự nhiên chưa nằm trong thiết kế quy hoạch của dự án cao tốc. "Con đường thi công và khu vực diện tích rừng tự nhiên KfW6 không có quy hoạch vào dự án đường cao tốc", ông Bùi Thế Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường thông tin thêm.

Tại xã Phổ Cường có hơn 300 ha rừng thuộc dự án KfW6, đến nay số diện tích rừng này chỉ còn dưới 200 ha. Trước đây, diện tích rừng dự án bị chặt phá phần lớn được thay thế bằng trồng keo nguyên liệu.

Trước tình trạng phá rừng dự án KfW6, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND thị xã Đức Phổ đã ban hành nhiều văn bản ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương và lực lượng chức năng có biện pháp tổ chức tuyên truyền hiệu quả cho người sử dụng đất hiểu rõ quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp, tuân thủ pháp luật có liên quan, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, không để người dân lợi dụng phá rừng trái quy định pháp luật, xác lập hồ sơ xử lý hành chính, hình sự, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu đối với các trường hợp vi phạm quy định Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan, đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không có biện pháp giải quyết triệt để, còn xảy ra việc phá rừng tự nhiên trên địa bàn quản lý trong thời gian đến.

"Để xử lý tình trạng phá rừng, diện tích nào vi phạm, người dân không trồng cây bản địa theo cam kết thì đề nghị ngành chức năng thu hồi lại diện tích rừng trên theo quy định pháp luật", ông Tạ Công Khiết, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, nói. 

Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững, còn gọi tắt là Dự án KfW6, do Chính phủ Đức tài trợ vốn được triển khai tại một số tỉnh miền Trung từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2015, đã thu hút khá đông hộ dân tham gia, đạt hiệu quả về lâm sinh, đa dạng sinh học, góp phần cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, từ dự án trồng rừng tự nhiên, với thực tế đã diễn ra như trường hợp kể trên, dự án đang dẫn đến phá rừng tự nhiên (?!).

Trà Câu
.
.
.