Vẫn canh cánh nỗi lo về “ma men” cầm lái

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:32
Mấy ngày qua, khi nắng nóng bắt đầu xuất hiện ở các tỉnh, thành phía Bắc cũng là lúc mà nhiều quán nhậu - bia hơi trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu “vào mùa” hút khách. Nhiều người đến quán sử dụng rượu – bia, rồi lấy phương tiện ra về trong tình trạng liêu xiêu mà không nghĩ tới những hậu quả khôn lường đi kèm với lỗi vi phạm này. 


Sẽ không muộn nếu bản thân mỗi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sớm nhận ra và nói không với rượu – bia khi tham gia giao thông.

Sử dụng rượu – bia quá mức quy định là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến người điều khiển phương tiện (ôtô, xe máy…) tham giao thông gây ra va chạm, tai nạn giao thông (TNGT). 

Thực tiễn đã chứng minh bởi nhiều vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra có nguyên nhân bắt nguồn từ rượu - bia. Hệ lụy là thế, song, nhiều người vẫn phớt lờ các quy định, thản nhiên sử dụng rượu – bia rồi điều khiển phương tiện.

Đặc biệt, khi tiết trời vào hè, nhiều người có suy nghĩ “làm vài quại bia cho mát người” nên đã tìm đến các quán nhậu trên địa bàn. Và rồi, sau khi rời quán, lấy phương tiện (chủ yếu xe môtô, xe máy) ra về trong tình trạng say xỉn.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về rượu – bia để đẩy lùi TNGT.

Thực tế này khiến nỗi lo về “ma men” cầm lái luôn tiềm ẩn phát sinh. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Phòng Khám cấp cứu – Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu bia trước đó, tỷ lệ gây ra va chạm, TNGT gấp nhiều lần so với người bình thường. Vì phản xạ của người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia bị hạn chế và khi gặp tình huống bất ngờ trên đường, va chạm, TNGT xảy ra là điều khó có thể tránh được. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Minh, thời gian qua, số ca TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ rượu nhập viện cấp cứu điều trị luôn tiềm ẩn gia tăng.

Về vấn đề trên, Đại úy Lê Văn Tiến, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 9, Phòng CSGT (CATP Hà Nội) cũng cho rằng, tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia trong thời gian qua và nhất là thời điểm nắng nóng luôn diễn biến phức tạp. Nhiều người chủ quan với những nguy cơ rình rập đi kèm với lỗi vi phạm – sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện. Để rồi khi xảy ra va chạm, TNGT, hiểu ra thì sự đã rồi.

Đó là một trong những khẩu hiệu hành động vì trật tự an toàn giao thông, đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đánh giá của Cục CSGT (Bộ Công an) cho thấy, nguyên nhân gây ra TNGT do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện chiếm hơn 70% số vụ TNGT.

Đặc biệt, việc sử dụng rượu - bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn cũng như khiến các lỗi, hành vi vi phạm khác xuất hiện như: đi quá tốc độ, lấn làn đường, đi vào đường cấm v.v...

Ngày 22-4, trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho hay, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm liên quan đến bia – rượu đã được tăng nặng và được quy định cụ thể trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Kể từ ngày 1-8-2016, mức phạt đối với các lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn là khá cao. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng). Và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng).

Mặc dù chế tài xử phạt đối với lỗi sử dụng rượu – bia đã được tăng nặng cũng như đã có vô số trường hợp vi phạm bị lực lượng CSGT xử lý, thế nhưng dường như đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân. Hễ có sự kiện gì vui – buồn, nhiều người lại tìm đến rượu – bia, coi đây như là thứ “gia vị” không thể thiếu được. Rồi khi mùa hè đến, tiết trời nóng nực, nhiều người còn coi bia là… nước giải khát, là thứ để “hạ nhiệt” mà không hay rằng, chính thói quen trên không chỉ vi phạm Luật Giao thông mà con khiến nhiều nguy cơ, hệ lụy khôn lường phát sinh.

Đề cập đến giải pháp căn cơ đẩy lùi vi phạm, Đại tá Lê Xuân Đức nhấn mạnh, để tình trạng “ma men” cầm lái trên phố thuyên giảm, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc lực lượng chức năng mà đi đầu là lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh từ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan, tổ chức xã hội – đoàn thể. Qua đó, để mỗi người dân thấy được tác hại do bia – rượu gây ra, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Trần Huy
.
.
.