Tùy tiện xây dựng ki-ốt trong khuôn viên Khu di tích Điện Long An
- Nhiều di tích bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng
- Xử lý nghiêm các vụ phá rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
- Một di tích lịch sử cấp quốc gia đang bị... lãng quên
Kiốt được xây dựng trong khuôn viên đất của Bảo tàng cổ vật, thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích Cố đô Huế...
Nơi đây là Khu di tích Điện Long An được xây dựng từ năm 1909, có tên gọi là Tàn Thơ Viện – nơi lưu giữ tư liệu. Hàng ngàn hiện vật được đưa về đây cất giữ. Năm 1923, Tàn Thơ Viện trở thành Bảo tàng Khải Định, gìn giữ và trưng bày những hiện vật do những hội viên Hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tầm được.
Hiện nay, bảo tàng này vẫn hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm BTDT Cố đô Huế với tên gọi Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Bảo tàng hiện có một số lượng hiện vật rất lớn của thời Nguyễn.
Được biết, từ sau năm 1975, Khu di tích Điện Long An hầu như còn nguyên trạng. Đến thời kỳ sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên, một số cơ quan bố trí cán bộ vào ở trong khuôn viên khu điện, nhiều hộ đã cơi nới những gian hàng tạm bợ buôn bán hướng ra đường Đoàn Thị Điểm trông nhếch nhác, làm bẩn cảnh quan trong khu di tích nội thành.
Hai ki-ốt của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mới xây dựng trong khuôn viên Khu di tích Điện Long An. |
Là một di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá thế giới ngày 11-12-1993, Điện Long An cũng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 872QĐ/BVHTT ngày 12-5-1997; thuộc khu vực 1 được bảo vệ nghiêm ngặt.
Do đó, nhiều hộ dân sống ở đây không được xây dựng mới, không nâng cấp nhà ở, hay mở hàng quán, nên những cửa hàng tạm bợ mở từ trước càng xuống cấp trong xập xệ, nhếch nhác, làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.
Trung tâm BTDT từ những năm 2010 trở về trước rất tôn trọng việc bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng di tích, lập đề án từng bước trùng tu tôn tạo cảnh quan di tích. Nhưng về sau này, không hiểu sao các điểm di tích được… “tận dụng” để khai thác dịch vụ một cách vô tội vạ.
Điển hình là cho thuê mặt bằng các điểm di tích Lầu Tứ phương vô sự, Bình An đường, Nhà lưu niệm bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại và nay là xây dựng 2 ki-ốt ngay trong khuôn viên Điện Long An.
Việc xây dựng này đã khiến người dân Cố đô Huế và nhất là các hộ dân sống xung quanh Khu di tích Điện Long An phản ứng gay gắt, bởi vì họ chấp hành tốt việc bảo vệ di tích chờ ngày giải toả đến nơi ở mới thì Trung tâm BTDT Cố đô Huế lại có “quyền đặc biệt” được xây dựng hàng quán trong vùng cấm.
Nhiều cán bộ trong ngành Văn hoá, Lịch sử tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình về việc làm của Trung tâm BTDT Cố đô Huế. Họ cho rằng, việc làm trên khác nào thương mại hoá di tích bất chấp luật lệ hiện hành với mục đích lợi ích kinh tế nhóm trước mắt, để lại hậu quả xấu trong xã hội. Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế và lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế cần xử lý vụ việc, giải tỏa những bức xúc của dư luận...