Nỗi lo ô nhiễm môi trường từ rác thải tồn ứ ở Phú Thọ
- Báo động tình trạng rác thải tràn lan ở các bãi biển Ninh Thuận
- Mối lo từ rác thải nhựa
- Quảng Nam khẩn trương xử lý rác thải tồn đọng
Trên 500 nghìn tấn rác tồn ứ
Nhiều năm nay, người dân hai xã Phượng Lâu và Vân Phú, thành phố Việt Trì liên tục phản ánh đến cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn rác thải của Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì có địa chỉ tại xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì gây ra. Môi trường ô nhiễm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, cuộc sống của người dân và nguồn nước sông Lô.
Bà Dương Thị Thanh, nhà ở khu 8, thôn An Thái, xã Phượng Lâu cho biết, những năm gần đây, nước thải của nhà máy liên tục xả ra đồng ruộng, bốc mùi hôi thối, nước đen khiến cá chết hàng loạt. Nhiều diện tích đất trồng lúa phải bỏ hoang không thể canh tác. Ô nhiễm môi trường từ bãi rác và nước thải đang "bào mòn" sức khỏe người dân sống xung quanh.
Đáng chú ý, cách bãi rác chỉ vài trăm mét là Bệnh viện Phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì và Trường Tiểu học Vân Phú, thành phố Việt Trì. Theo một số giáo viên, mỗi khi trời có gió hoặc nắng nóng, mùi hôi thối từ bãi rác cứ quanh quẩn, rất khó chịu. Một số giáo viên đã xin chuyển công tác.
Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì được xây dựng, đưa vào hoạt động năm 1998, với công suất ban đầu là 20 tấn/ngày, đến nay đã nâng công suất xử lý đạt 60 tấn/ngày. Tuy nhiên, nhà máy đang phải tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt vượt công suất 4 lần, trong khi nhà xưởng, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, nhà máy nằm trong khu vực trũng, khi trời mưa, nước mặt dồn về nhà máy rửa trôi rác thải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh hoạt của người dân xung quanh khu vực.
Ông Bùi Văn Thược, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Xử lý chất thải Phú Thọ cho biết, do ít được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nên nhà máy đã lạc hậu so với nhu cầu. Hiện mỗi ngày, nhà máy tiếp nhận hơn 240 tấn chất phế thải đô thị từ các huyện, thành thị trong tỉnh về xử lý. Gọi là "xử lý" nhưng thực chất, rác thải vẫn chủ yếu được phân loại thủ công như: Chất thải rắn được mang đi chôn lấp, còn chất thải hữu cơ đưa vào nghiền, ủ làm phân bón vi sinh.
Theo ông Thược, do vị trí nhà máy xây dựng ở chỗ trũng cho nên khi có mưa, nước từ trên cao đổ xuống, tràn xuống đồng ruộng các xã Vân Phú, Phượng Lâu, gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho sản xuất. Ngày không mưa, mùi rác từ nhà máy phát tán ra khu vực xung quanh, làm không khí rất khó chịu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, nhà máy đặt tại nơi tập trung dân cư đông đúc, nước thải của nhà máy theo mương chảy ra cánh đồng của xã Phượng Lâu, rồi chảy ra sông Lô, cách Nhà máy nước Việt Trì gần 3km về phía thượng nguồn...
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hiện nay, lượng rác thải đang tồn đọng tại Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì lên đến 510 nghìn tấn. Đó là chưa kể mỗi ngày nhà máy còn tiếp nhận thêm 250 tấn rác thải từ các nơi khác chuyển về. Lượng rác thải tồn đọng này sẽ còn tăng thêm trong những năm tiếp theo.
Tìm hướng xử dứt điểm
Trước thực trạng trên, tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương di dời Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì ra ngoài khu vực thành phố trong quy hoạch hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030. Cùng với đó là đưa ra các cơ chế ưu đãi mới gọi đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, do tỉnh chưa bố trí được vốn để di chuyển nhà máy, trước mắt để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên, ngành chỉ đạo Công ty cổ phần Xử lý chất thải Phú Thọ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương xác định thiệt hại cá chết do nước thải phát sinh từ nhà máy để bồi thường theo đúng quy định.
Ngành cũng yêu cầu nhà máy tăng cường công tác phân loại rác hữu cơ để xử lý làm phân bón và giảm thiểu rác tồn đọng ảnh hưởng đến môi trường; thường xuyên phun chế phẩm khử mùi, có biện pháp che chắn, phủ bạt mùn khô, rác thải ngoài trời; tiếp tục rà soát, cải tạo nhà xưởng, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát nước và phân tách nước mặt, giảm thiểu nước mặt chảy vào khuôn viên nhà máy.
Ngành cũng yêu cầu nhà máy vận chuyển rác thải đưa tới Xí nghiệp Trạm Thản tại huyện Phù Ninh vừa được xây dựng để chôn lấp, đáp ứng yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Để xử lý ổn định, lâu dài lượng rác thải và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, tháng 10/2017, tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ động thổ chuẩn bị khởi công xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.
Dự án có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, 100% vốn đầu tư nước ngoài, với tổng công suất 1.000 tấn/ngày. Trong đó quy mô giai đoạn 1 xử lý 500 tấn/ngày với mức đầu tư 45 triệu USD. Đây là dự án sử dụng những công nghệ tiên tiến hiện đại nhất hiện nay để xây dựng dự án Nhà máy đốt rác phát điện tỉnh Phú Thọ, đồng thời xây dựng dự án này trở thành dự án bảo vệ môi trường đẳng cấp trên thế giới, trở thành hình mẫu điển hình của Việt Nam cũng như châu Á.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tỉnh Phú Thọ đưa vào hoạt động sẽ giúp xử lý toàn bộ lượng rác thải phát sinh hàng ngày trên địa bàn và lượng rác đang tồn đọng hiện nay. Ngành sẽ tiến hành các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường và đóng cửa Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì trả lại mặt bằng cho địa phương quản lý.
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm làm lễ động thổ, dự án trên vẫn chưa thể khởi công xây dựng do phải tiến hành nhiều thủ tục liên quan đến cấp phép của nhiều bộ, ngành Trung ương, vướng mắc trong nội dung hợp đồng giữa doanh nghiệp và tỉnh Phú Thọ. UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Công ty TNHH Năng lượng môi trường TianYu Việt Nam tháo gỡ vướng mắc về các thủ tục liên quan. Tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương thống nhất những nội dung trong hợp đồng cho phù hợp lợi ích hai bên, sớm đưa dự án vào triển khai xây dựng.