Những phận đời treo lơ lửng trên dòng Pô Cô

Thứ Ba, 19/01/2016, 08:34
Đu dây qua sông và liều mình băng qua những chiếc cầu treo mục nát, những câu chuyện cũ nhưng lại tiếp tục tái diễn tại địa bàn xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum...


Cách đây 6 năm ở xã Đăk Nông (Ngọc Hồi, Kon Tum) đã trở nên “nổi tiếng” với tình trạng cả làng đu dây vượt sông. Ngay sau đó, các nhà hảo tâm đã ủng hộ kinh phí và xây dựng cầu mới kiên cố cho người dân qua sông. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng đu dây qua sông lại tái diễn ở làng Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, địa phận ngay sau lưng trụ sở của UBND xã Đăk Nông. Chứng kiến cảnh hàng ngày, người dân vẫn đu mình trên sợi dây dù được gắn con ròng rọc băng qua dòng sông ai cũng kinh hoàng.

Để qua sông nhanh hơn bằng đường tắt, người dân đã phải tự làm hai đường cáp, một dây đi và một dây về. Một bên cao, bên thấp, ròng rọc sẽ tự động chạy một mạch sang bên kia bờ trong chớp nhoáng. Không chỉ đu mình, người dân còn vận chuyển cả nông lâm sản qua sông cũng bằng dây cáp này. 

Tại địa điểm người dân du dây, hai bờ sông Pô Kô này cách xa khoảng 150 mét, không có cầu qua sông. Người dân qua lại sông chỉ đi bằng dây cáp được cột vào những trụ bằng gốc cây có đường kính khoảng 30cm. Họ dùng ròng rọc bám vào dây cáp rồi dùng dây vải cột vào người và thả người tự nhiên khoảng một phút là có thể sang bờ bên kia. Hàng ngày có hàng chục người dân làng Kà Nhảy đi qua lại bằng cách đu dây, chủ yếu là người đi bộ. Còn người đi xe máy thì đi vòng theo đường cầu treo của làng Tà Pooc.

Chuyện thường ngày của người dân ở Ngọc Hồi, Kon Tum.

Già Un Với (75 tuổi, trú thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông) tâm sự: “Mình đã quá quen với cách đu dây qua sông vì nhiều năm nay già vẫn đi như vậy, dù mỗi lần đi thế này đều thấy sợ. Muốn nhanh thì phải đu dây, nếu đi theo đường cầu treo thì vòng rất xa (thật ra chỉ khoảng 1km)”. Người dân cho biết, họ làm cáp treo từ sau bão số 9- 2009 đến giờ. Sau khi Công ty thép Đông Á đãi vàng làm đứt cách đây hai năm, bà con lại góp tiền làm lại để qua sông mỗi ngày.

Cũng đã có vài vụ ròng rọc bị trượt qua dây cáp, người bị rơi xuống sông. Ông Un Với kể đã chứng kiến 4 vụ tai nạn, làm 4 người bị thương. Nặng nhất là trường hợp của ông A Von (67 tuổi) bị gãy cột sống và Y Nghiên (45 tuổi) cũng ở làng Kà Nhảy thì gãy chân. Cả hai vẫn phải đi nạng... 

Ông Nguyễn Hữu Nông - Chủ tịch UBND xã Đăk Nông cho biết: “Dùng dây cáp để đu qua sông là rất nguy hiểm, chúng tôi đã tuyên truyền vận động nhưng bà con không nghe".

Chiếc cầu treo làng Nông Nội dài cả trăm mét vắt ngang sông Pô Kô đã hư hỏng nghiêm trọng nhưng vì đây là đường duy nhất của người dân làng Nông Nội, Đăk Giá, Lông Zôn... đi làm nương rẫy tại tiểu khu 154 nên hàng ngày họ vẫn phải đi qua. 

Chính quyền địa phương đã cho gắn biển cảnh báo cầu tạm nguy hiểm, yêu cầu qua từng người một, không được vận chuyển hàng hóa nhưng hàng ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện bất chấp cảnh báo, vẫn dùng xe máy nối đuôi nhau chở khoai sắn qua cầu... Tổng số 5 dây sắt giằng đỡ ở phía dưới mặt cầu thì đã có 4 dây bị đứt. Trước đây, cũng tại cây cầu treo Nông Nội đã từng xảy ra đứt cáp làm 7 người rơi xuống sông Pô Kô.

Anh Thắng, một người dân thôn Nông Nội giải thích, biết cầu hư nhưng vì không còn đường nào khác để qua sông, toàn bộ bà con trong làng đều làm rẫy bên kia  sông  nên buộc phải chở hàng hóa đi qua. Tương tự, chiếc cầu treo thôn Tà Pooc cũng khá nguy hiểm vì “hết đát”. Biển cảnh báo, cấm vẫn không ngăn được người dân vẫn bất chấp, đua nhau qua cầu. Bởi nếu không đi thì không có đường nào khác...

Cũng đã có vài vụ ròng rọc bị trượt qua dây cáp, người bị rơi xuống sông. Ông Un Với kể đã chứng kiến 4 vụ tai nạn, làm 4 người bị thương. Nặng nhất là trường hợp của ông A Von (67 tuổi) bị gãy cột sống và Y Nghiên (45 tuổi) cũng ở làng Kà Nhảy thì gãy chân. Cả hai vẫn phải đi nạng...
N.Như - V.Phong
.
.
.