Nhức nhối nạn lừa đảo xuất khẩu lao động

Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:09
Ra nước ngoài làm việc là nguyện vọng chính đáng, thế nhưng không ít người, đặc biệt là các lao động trẻ do không tìm hiểu kỹ thông tin đã rơi vào những cái “bẫy xuất khẩu lao động”. Hậu quả là ước mơ thì dở dang nhưng phải cõng một khoản nợ lớn đã vay để đóng tiền vào các công ty ma. Lừa đảo xuất khẩu lao động không còn là câu chuyện mới, nhưng vẫn nhức nhối nhiều năm qua.


Ước mơ dở dang

Các học viên của Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA (địa chỉ phố Vũ Đức Thận, Long Biên, Hà Nội) đa phần đều là những người trẻ. Họ đều là những cử nhân tốt nghiệp, với mong muốn được đi sang Nhật Bản xuất khẩu lao động để thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, ước mơ dở dang khi không may lại rơi vào một cái bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động. Theo các học viên này, mỗi người phải nộp một khoản phí từ 50- 100 triệu đồng với cam kết sẽ được xuất khẩu lao động sang Nhật Bản là kỹ sư với mức lương khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Người lao động cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp trước khi nộp hồ sơ xuất khẩu lao động.

Công ty hứa hẹn từ 6- 8 tháng sau khi nộp hồ sơ và học tiếng Nhật, các học viên sẽ được xuất cảnh. Tuy nhiên, mới đây, các học viên của công ty này “chết đứng” khi bất ngờ công ty đóng cửa, biển công ty đã tháo xuống, các số liên lạc đều bị tắt máy. Trang facebook và trang web của công ty cũng đã đóng cửa vĩnh viễn. Tiền mất tật mang, không ít người đang rơi vào tình cảnh cùng quẫn.

Nguyễn Viết Cảnh, tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Thái Nguyên cho biết, các lao động biết và nộp hồ sơ vào công ty này chủ yếu qua các hội nhóm trên mạng xã hội quảng cáo có thể đưa đi xuất khẩu lao động. Sau khi qua vòng sơ tuyển, lao động sẽ về công ty nộp hồ sơ và học tiếng Nhật, chi phí ăn ở mỗi tháng là 2 triệu đồng.

“Để tạo niềm tin với học viên, công ty có người Nhật phỏng vấn nên học viên mới tin tưởng. Không chỉ thế, thi thoảng lại có thông tin có những người học trước được xuất cảnh nên niềm tin của học viên càng tăng thêm. Khi vào chúng em được công ty cam kết, đóng dấu đỏ đàng hoàng nên không ai nghĩ là mình bị lừa. Không ngờ cơ sự ra như thế này”, Nguyễn Viết Cảnh chia sẻ.

Không dám về quê, Nguyễn Trung Kiên, tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, một học viên của công ty này đang phải chạy Grab để duy trì cuộc sống, bám trụ lại Hà Nội với hy vọng sẽ đòi lại được tiền. Kiên cho biết, quá thời gian được hứa hẹn đã không ít lần gọi điện hỏi lãnh đạo công ty nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa suông rằng cứ yên tâm, đơn vẫn đang trình và chắc chắn sẽ bay được. Đa số học viên đều từ nông thôn nộp hồ sơ vào đây, với mong muốn có thể kiếm được công việc tốt để thay đổi cuộc sống.

“Bản thân em hiện cũng đang không biết xử lý thế nào khi bố mẹ hỏi tình hình, bao giờ lấy được tiền, tiền vay ngân hàng, tiền lãi hằng tháng tính sao. Em cũng chẳng biết nói thế nào nữa. Giấy tờ, địa chỉ rõ ràng, bọn em nghĩ một công ty hoạt động công khai trên địa bàn Hà Nội thì không thể lừa đảo được. Thế nhưng khi vỡ lở ra thì có cả một số lượng lớn người lao động bị mắc bẫy, đều là sinh viên mới ra trường, đang tìm kiếm việc làm. Giấc mơ dở dang, chưa biết tương lai rồi sẽ thế nào”, Kiên than thở.

Cần tích cực kiểm tra các công ty môi giới

Trước tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động phức tạp, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) lại vừa tiếp tục cảnh báo về trình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cũng trong cảnh báo này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đã có văn bản đề nghị cơ quan Công an điều tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với các doanh nghiệp Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế MIKA (số 8, ngõ 69, đường Vũ Đức Thuận, phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội) lừa đảo người lao động như ở trên.

Công ty này không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã tư vấn, thu tiền để làm thủ tục cho nhiều người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Bên cạnh đó, một số công ty khác như: Công ty TNHH TMDVTV Đào tạo Hoàng Phát, Công ty Quý Đức, Công ty Sinh Vũ cũng được đơn vị này kiến nghị cơ quan điều tra vào làm rõ việc thu tiền của người lao động để đưa đi Hàn Quốc.

Theo bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) thì để tránh tình trạng lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thường xuyên thông qua cơ quan thông tin truyền thông, các báo, đài cảnh báo đến người lao động.

“Để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp đưa đi. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép đều được thể hiện rõ trên trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn). Bên cạnh đó, người lao động khi đã quyết định ra nước ngoài làm việc, thực tập hay học nghề thì việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về chương trình mình muốn tham gia, đất nước mình sẽ đến. Những thông tin này nên tìm từ các nguồn chính thống như trang thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH, của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) và báo chí. Tiếp đến là các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để được tư vấn chi tiết. Tuyệt đối không nghe những người không có chức năng, không có chuyên môn kể cả người thân để tránh việc hiểu sai lệch về chương trình”, bà Hà cho biết.

Tuy nhiên, để hạn chế được tình trạng bát nháo các công ty môi giới, lừa đảo xuất khẩu như hiện nay, theo Luật sư Trần Quang Khải (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát của các địa phương rồi đến Bộ LĐ-TB&XH phải có trách nhiệm quản lý, phát hiện các hoạt động sai quy định của công ty môi giới. Luật sư Khải cho rằng, việc không kiểm soát chặt, chỉ đến khi có đơn tố cáo của người lao động mới vào cuộc nên mới dẫn đến tình trạng này.

“Đối với các công ty môi giới xuất khẩu lao động, có thể cho phép cơ quan Công an tích cực kiểm tra và phát hiện hoạt động sai quy định. Nếu doanh nghiệp nào không có giấy phép mà hoạt động trong lĩnh vực này, cần công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân tránh, đồng thời, khuyến cáo người dân tích cực phát giác những vi phạm của các công ty này”, Luật sư Trần Quang Khải kiến nghị.

Phan Hoạt
.
.
.