Xuất khẩu lao động khởi sắc trở lại

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:45
Dù chưa thể đưa lao động ra nước ngoài với tần suất như trước đây, nhưng việc một số thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã tiếp nhận lao động trở lại là tín hiệu tích cực cho lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng từ thời điểm Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế với một số quốc gia (15- 9), một số chuyến bay đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được thực hiện. Đây là điều được cả doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động mong chờ sau một thời gian dài chờ đợi.

Người lao động được đào tạo trước khi đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Ảnh: CTV.

Tín hiệu tích cực

Hoàn thành thủ tục và được cấp visa từ đầu tháng 3 (ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát), Nguyễn Quang Huy (quê Thanh Hóa) đã phải chờ đợi suốt thời gian dài mà vẫn chưa thể sang Nhật Bản làm thực tập sinh ngành điện tử. Mòn mỏi chờ đợi, rồi niềm vui vỡ òa khi công ty thông báo Huy sẽ được bay vào đầu tháng 10 tới đây.

“Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chính vì thế dù mong mỏi thế nào chúng em cũng cũng phải chờ đợi. Rất may là phía Nhật Bản đã kiểm soát được dịch và tiếp nhận vì thế chúng em mới có cơ hội bay sớm. Em đã chuẩn bị mọi thứ, sang đó em sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành thật tốt công việc, tích lũy tiền để lo cho tương lai", Huy cho biết.

Được thông báo sẽ bay trong tháng 10 tới đây, chị Nguyễn Thùy Linh (quê Nam Định) phấn khởi cho biết, mọi thủ tục của chị đã hoàn tất và cũng đã có kế hoạch bay cụ thể. Tuy nhiên do dịch bùng phát khiến cho lịch bay của chị sang Đài Loan bị hoãn vô thời hạn.

“Ở quê làm nông vất vả nên gia đình cũng phải vay mượn thêm để tôi sang Đài Loan làm giúp việc gia đình. Tuy nhiên do dịch mà lịch bay phải hoãn vô thời hạn nên cả gia đình đều sốt ruột. Cũng may là công ty thông báo chúng tôi có thể bay vào cuối tháng 10. Hy vọng mọi thứ suôn sẻ để tôi sang đó làm việc còn kiếm chút tiền về trả nợ và cải thiện cuộc sống”, chị Linh phấn khởi chia sẻ.

Vừa tiễn một nhóm 10 học viên sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh ngày 20-9, chị Nguyễn Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và đào tạo Gia Linh phấn khởi cho hay, số học viên này đáng lẽ đã bay từ tháng 3 nhưng do dịch bệnh nên visa hết hạn, cuối tháng 8 vừa rồi mới được cấp đổi lại nên đến giờ mới có thể khởi hành. "Từ khi Nhật Bản mở lại việc cấp visa, công ty chúng tôi đã dốc toàn bộ nhân sự làm hồ sơ cấp mới, cấp đổi cho học viên. Đã có gần 30 hồ sơ được duyệt, hơn 10 visa được cấp và hiện chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hồ sơ cho khoảng 50 học viên nữa, dự kiến sẽ bay vào tháng 10", chị Nhung cho biết.

Theo chị Nhung, việc mở lại cấp visa cho lao động, và Chính phủ mở lại các đường bay hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp và cả người lao động. Bởi nếu thị trường xuất khẩu lao động vẫn “đóng băng” thì doanh nghiệp sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, hơn nữa, người lao động không thể bay cũng khiến cho chi phí doanh nghiệp đội lên và mệt mỏi vì phải chờ đợi.

Thị trường Đài Loan được nhận định sẽ tăng tiếp nhận lao động Việt Nam thời gian tới.

Tăng cường hỗ trợ người lao động

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, chưa có con số thống kê cụ thể về số người xuất cảnh ít ngày qua, nhưng thị trường Nhật Bản cũng đã tiếp nhận vài trăm người. Thị trường Đài Loan thì đến nay cũng đã có được hơn 2.000 lao động xuất cảnh. Thị trường Hàn Quốc đến nay cũng đã có một số lao động được xuất cảnh, chủ yếu là thuyền viên. Dù chưa thể đưa lao động đi được theo con số kỳ vọng nhưng với những diễn biến như thế này thì tình hình sẽ sớm được trở lại bình thường”, bà Trịnh Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết. 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, việc đưa người đi thời gian tới liên quan đến chính sách visa của nước tiếp nhận. Cục đã chỉ đạo các doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các hãng hàng không để có thông tin cụ thể. Phía các doanh nghiệp thì cứ cấp được visa cho lao động nào thì đưa lao động đó đi. Đối với thị trường Nhật Bản, có một số visa nằm lại từ tháng 3 đến giờ nhưng phía chủ sử dụng lao động thu hẹp sản xuất không cần đến lao động nữa thì hủy hẳn. Có một số visa để nằm chờ, tháng 8 vừa rồi phía Nhật Bản cho mở lại việc cấp visa thì được kích hoạt lại và phía tiếp nhận vẫn cần người thì được xuất cảnh.

Một số lĩnh vực như điều dưỡng, hộ lý, chế biến thủy sản, ăn uống, nông nghiệp không bị ảnh hưởng nên lao động những lĩnh vực này thời gian tới vẫn đi được bình thường. Bên cạnh đó, dù bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng nhiều nhà máy vẫn có tuyển mới nên vẫn mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam sang thị trường này.

Nhận định về con số lao động đưa đi từ nay đến cuối năm, bà Trịnh Vân Hà cho biết, chưa thể ước chừng bởi do ảnh hưởng của dịch mà rất nhiều đơn hàng đã bị hủy. Những đơn hàng tuyển mới hiện nay thì còn mất thời gian đào tạo, chưa thể xuất cảnh ngay. Chỉ có thị trường Đài Loan có thể sẽ tăng nhiều hơn bởi lao động đi Đài Loan thời gian học ngắn hơn. Và Đài Loan kiểm soát dịch tốt hơn, đồng thời cũng có nhu cầu lớn hơn.

Phan Hoạt
.
.
.