(Chuyện lạ): Giữa thủ đô dân phải khoan giếng, xây bể chứa nước sạch!

Thứ Ba, 18/08/2015, 17:09
Nhiều hộ dân sinh sống tại phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm – Hà Nội) đã hơn 1 tháng nay phải sống cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Nhiều hộ dân đã phá nền nhà để khoan giếng, xây bể chứ nước lấy nước dùng...



Theo phản ánh của các hộ dân thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm – Hà Nội), đã hơn 1 tháng nay (từ 25/7 đến 17/8), các gia đình phải sống trong cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng và cuộc sống bị đảo lộn qua từng ngày. Nhiều gia đình phải gửi con nhỏ qua nhà người thân để ở tạm.

Những ngày mất nước sạch, người dân phải thường xuyên sách xô đến những gia đình cho giếng khoan để xin nước về dùng - Ảnh: Thanh Xuân.

Để đối phó với tình trạng mất nước sạch sinh hoạt kéo dài này, mỗi khi trời mưa, các nhà phải tranh thủ mang vật dụng ra hứng lấy nước để dùng, hoặc đi xin nước của người thân. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không được lâu dài với đợt mất nước sạch dài ngày này, một số hộ dân phải phá nền nhà để khoan giếng, xây bể chứa nước và sử dụng lại những chiếc giếng khoan đã không được sử dụng nhiều năm để lấy nước dùng. Những chiếc giếng khoan tưởng chừng đã bị “bỏ quên” như vậy lại là nguồn nước cho cả xóm dùng trong thời điểm hiện tại, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật.

Nhiều hộ dân cho biết vì mất nước kéo dài, cả tháng nay, từ người lớn đến trẻ nhỏ phải thức đêm để bơm nước nhưng cũng chỉ nhỏ giọt. Việc bơm nước diễn ra suốt ngày. Nhà này xong, lại đến lượt nhà kia. Khổ nhất là những gia đình không có bể chứa phải dùng xô chậu đi múc nước. Lượng nước đi xin được rất ít nên việc dùng nước trong sinh hoạt hàng ngày phải hết sức tiết kiệm. Một chậu nước vừa rửa rau vừa rửa bát. Quần áo bẩn không dám giặt nên phải đem ra của hàng để giặt.

Bà Trịnh Thị Nga (60 tuổi) chia sẻ: “Nhà tôi có 1 cái giếng khoan đã không dùng cách đây 2 năm rồi. Nhưng thời gian gần đây, mất nước sạch liên tục và quá lâu, đến nay đã hơn 1 tháng rồi. Nên gia đình tôi đành quay lại dùng nước giếng khoan. Cứ bơm lên lọc qua là dùng, cả xóm họ nối vòi và cứ dùng nước của cái giếng này. Không có giếng khoan chắc chúng tôi chết khô mất, mua nước thì tiền đâu cho lại được. Dù đã có nước giếng khoan nhưng cuộc sống sinh hoạt vẫn gặp nhiều khó khăn. Gia đình tôi phải gửi cháu qua nhà ông bà ngoại ở”.

Một số gia đình phải đào xới nền nhà để xây bể chứa nước cũng như khoa giếng - Ảnh: Thanh Xuân.

Nhiều gia đình không có giếng khoan nên phải thường xuyên đi xin nước và mua nước. Vì thời gian mất nước diễn ra quá lâu nên đành phải phá nền nhà để khoan giếng lấy nước dùng. Một số hộ gia đình phải dừng mọi hoạt động kinh doanh tại nhà để phục vụ cho việc khoan giếng, xây bể chứa.

Anh Trần Xuân Kiên (54 tuổi ở tổ 12, phường Mỹ Đình 1) cho biết: “Những ngày đầu mất nước, thành viên trong gia đình thay nhau đi xin nước, đi mua nước. Ở trong khu này mọi gia đình cũng mất nước nên phải đi rất xa mới xin nước được. Tình trạng mất nước kéo dài không thể đi xin và mua nước mãi được nên gia đình tôi phải khoan giếng ngay trong nhà. Khi khoan giếng, gia đình phải dừng việc kinh doanh lại”.

Được biết, các hộ dân trên đang dùng nguồn nước sạch do Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông nghiệp Mỹ Đình (Hà Nội), địa chỉ tại Đội 6 Sông Đà 2. Đã nhiều lần các hộ dân nói trên phản ánh về tình trạng thiếu nước sạch tới đơn vị này nhưng chỉ được giải quyết trong 1 tuần rồi lại tái diễn cảnh mất nước sạch kéo dài.

Nước được bơm từ giếng khoan vào bể chứa nước rất bẩn, người dân phải lọc qua nhiều lần mới có thể sử dụng được - Ảnh: Thanh Xuân.

Trước đó, vào khoảng 3h30 ngày 13/8, đường ống dẫn nước sông Đà lại bị vỡ tại vị trí km28+650 trên đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Thạch Thất (Hà Nội). Đây là lần thứ 13 đường ống nước sông Đà bị vỡ. Việc vỡ ống đã ảnh hưởng đến khoảng 70 nghìn hộ dân thủ đô. Tới chiều tối ngày 14/5, nhiều nơi đã có nước sạch trở lại, nhưng nhiều nơi vẫn chịu ảnh hưởng bởi nguồn nước yếu và không có nước.

Mong muốn của hàng trăm con người đang sinh sống tại địa chỉ nói trên tới đơn vị cung cấp nước sạch sớm khắc phục và cung cấp ổn định nguồn nước sạch cho người dân.

Thanh Xuân
.
.
.