Đường tránh 250 tỷ tiếp tục gặp “sự cố”

Thứ Bảy, 14/03/2020, 10:03
Đường tránh 250 tỷ sau sự cố vừa đưa vào sử dụng đã sụt lún, nứt toác và trở thành bãi đáp của con nghiện thì đến nay, đường tránh tiếp tục vấp phải sự phản đối, khiếu nại của người dân về mức thỏa thuận đền bù do quá trình thi công gây ra.


Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư có chiều dài 10,8km, kinh phí đầu tư 250 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 5/2018 và đến tháng 6/2019 được nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2019 thì bắt đầu xuất hiện hàng loạt vết nứt, sụt lún nghiêm trọng.

Vị trí sụt lún, nứt nền mặt đường xuất hiện từ Km10+200 - Km10+350, vết nứt rộng nhất khoảng 20cm. Đặc biệt, đoạn Km10+260 - Km10+300 cao độ mặt đường lún theo phương thẳng đứng khoảng h=50÷60cm.

Sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan đã rào chắn và tiến hành dỡ tải để khắc phục sụt lún, hư hỏng. Tuy nhiên, nhận thấy có dấu hiệu bất thường, UBND tỉnh Gia Lai và Công an tỉnh Gia Lai đã có ý kiến yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng việc dỡ tải để Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định.

Cận cảnh vết nứt tường nhà dân gần đường tránh.

Trong quá trình chờ kết luận từ cơ quan Công an, vị trí rào chắn vô tình trở thành bãi đáp của các con nghiện thường xuyên lui tới. Vấn đề này, Báo CAND đã có bài phản ánh những lo lắng, bức xúc của người dân khi các con nghiện vứt kim tiêm bừa bãi tại vị trí đường hư hỏng sau khi sử dụng.

Sau khi Báo CAND phản ánh, Công an huyện Chư Sê đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng đang có hành vi tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy tại 1 khách sạn gần vị trí đường tránh bị hư hỏng.

Mới đây nhất, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh bức xúc của người dân về việc các đơn vị thi công đường tránh đã làm nứt, hư hỏng nhà cửa nhưng chưa được nhận tiền đền bù, mức đền bù quá thấp so với các hư hỏng, thiệt hại gây ra.

Ông Mai Thế Thiện (SN 1964, TDP 5, thị trấn Chư Sê, Chư Sê) chia sẻ: Nhà tôi mới xây nên trước khi thi công đường tránh chưa có hư hỏng gì. Khi thi công đường thì xuất hiện hàng loạt vết nứt tường nhà, trần thạch cao ở tầng 1 bị thủng khiến nước mưa chảy ướt hết đồ đạc trong nhà. 

Mùa mưa 2019, gia đình phải dùng các xô nước hứng nước mưa để hạn chế hư hỏng đồ đạc trong nhà. Ở tầng trệt, nước mưa từ ngoài đường chảy vào nhà, ngập gần 0,5m. 

“Chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp khắc phục thì họ lại trả lời dân: Về lấy xi măng trét vào là xong. Đồ đạc hư hỏng, ẩm mốc không sử dụng được nhưng gia đình chỉ nhận được mức đền bù 3,1 triệu đồng. Mức đề bù này quá thấp, không đủ để sửa chữa, khắc phục các hư hỏng nên gia đình không đồng ý”, ông Thiện nói.

Tương tự, anh Nguyễn Bá Nghĩa (SN 1985, trú TDP 5, thị trấn Chư Sê, Chư Sê) thông tin thêm: Giai đoạn cao điểm, đơn vị thi công sử dụng gần 10 chiếc xe lu hoạt động cùng lúc làm cho các nhà dân trong bán kính 200m bị rung lắc dữ dội, nhiều đồ đạc trong nhà rơi vỡ, giảm giá trị sử dụng. 

Ngoài ra, tường nhà cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt lớn nhỏ. Tuy nhiên, lo lắng nhất là phần móng của căn nhà bị nứt, dẫn đến sụt lún. Thiệt hại là như thế nhưng gia đình chỉ nhận được mức bồi thường gần 3 triệu đồng, không đủ để sửa chữa, khắc phục các hư hỏng.

Đường tránh 250 tỷ xảy ra sụt lún, nứt toác từ tháng 9/2019.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc bồi thường thiệt hại nhà của người dân do quá trình thi công đường tránh 250 tỷ gây ra đã được đơn vị chủ đầu tư triển khai nhưng đến nay, chỉ một vài hộ dân đồng ý mức bồi thường. Còn lại 26 hộ dân có nhà bị ảnh hưởng không thống nhất với mức đền bù mà đơn vị chủ đầu tư đưa ra nên đã làm đơn kiến nghị tập thể đến UBND huyện Chư Sê và UBND tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, người dân còn thắc mắc việc giải quyết đền bù không công bằng giữa một số hộ dân có mức độ thiệt hại như nhau. Điều này rất dễ xảy ra vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nếu không sớm giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: Nội dung kiến nghị của các hộ dân không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện nên địa phương đã chuyển đơn của các hộ dân đến Ban Quản lý dự án 6 để nghiên cứu, giải quyết. Trong thời gian thỏa thuận thống nhất mức đền bù thiệt hại, người dân cần bình tĩnh, không có các hành động gây phức tạp, bất ổn tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Trong một diễn biến có liên quan, tại biên bản cuộc họp “về việc chi trả tiền bảo hiểm cho những hộ dân bị ảnh hưởng trong quá trình thi công Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh thị trấn Chư Sê, Gia Lai” vào ngày 20/2, ông Hồ Minh Hậu, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Chư Sê đề nghị đơn vị bảo hiểm (Bảo hiểm quân đội - MIC) phối hợp với nhà thầu thi công nghiên cứu phương án xử lý, khắc phục các vết nứt của từng hộ dân và báo cáo về Ban quản lý Dự án 6, chính quyền địa phương trước ngày 10/3.

Tuy nhiên, đến nay hai đơn vị này vẫn chưa có động thái xử lý, khắc phục các hư hỏng nhà dân và cũng chưa báo cáo tiến độ xử lý đến cơ quan chức năng như biên bản làm việc đã thỏa thuận trước đó. Trong khi đó, người dân thì nơm nớp lo sợ vì hằng ngày sống trong những căn nhà hư hỏng, nứt, lún do quá trình thi công đường tránh gây ra.

Chí Hào
.
.
.