Điều gì đang xảy ra tại các bãi nuôi ngao ven biển Hải Phòng?

Thứ Năm, 22/06/2017, 09:03
Thời gian qua, tình trạng tranh chấp khu vực nuôi ngao trên một số địa bàn ven bờ biển thuộc TP Hải Phòng diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự. 

Chỉ trong vòng nửa cuối tháng 5, đã có 2 vụ xô xát xảy ra tại các khu vực nuôi ngao của Hải Phòng, trong đó có vụ đối tượng tham gia sử dụng vũ khí nóng uy hiếp lẫn nhau khiến tình hình an ninh trật tự trở nên căng thẳng… Đồng thời, ngân sách thất thu mỗi năm hàng chục tỉ đồng.

Bãi ngao không bình yên

Vào đêm 15 và 16-5-2017 vừa qua, một nhóm người đưa tàu chở cọc ngang nhiên vào bãi ngao của HTX dịch vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản (địa chỉ phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn), tại bãi bồi Đèn Nơm, giáp ranh giữa quận Hải An và huyện Cát Hải, ngang nhiên đóng và dựng chòi nhằm lấn chiếm. Khi bà con ra ngăn cản thì bị nhóm người này chửi bới, đe dọa; nguy hiểm hơn, nhóm đối tượng còn nổ súng uy hiếp các xã viên.

Chưa đầy 1 tuần sau, ngày 22-5, tại bãi nuôi ngao thuộc xã Văn Phong, huyện Cát Hải có diện tích trên 300ha, hàng chục thanh niên ở xã Hoàng Châu ngang nhiên ra kéo 1 chiếc bè cùng lưới cụ, nhổ hết phao tiêu, đưa vào bờ, sau đó kéo lên bờ đê đốt phá… Cả 2 vụ việc trên sau đó được lực lượng Biên phòng phối hợp cùng Công an tiến hành điều tra xử lý.

Trước đó, vào cuối năm 2016, cũng tại các bãi triều ven biển xảy ra tình trạng tranh chấp giữa bà con ngư dân với doanh nghiệp khai thác cát. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hải Phòng đã điều tra xác minh một số người dân có hành vi sử dụng mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, sau đó bàn giao vụ việc cho địa phương giải quyết theo thẩm quyền. 

Cần sớm lập lại trật tự vùng nuôi ngao để đảm bảo lợi ích kinh tế người dân và nguồn thu ngân sách.

Tiếp đó, đến cuối tháng 9-2016, Đồn Biên phòng Tràng Cát, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hải Phòng phối hợp với địa phương tuần tra, kiểm soát khu vực phía Nam đảo Đình Vũ, phát hiện tàu TB 10385 TS do ông Nguyễn Xuân Thanh (49 tuổi, trú tại Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình) cùng 7 người đang có hành vi cắm cọc, dựng chòi nuôi ngao tại khu vực có tọa độ 20 độ 45 phút 510 giây vĩ Bắc - 106 độ 50 phút 378 giây kinh Đông. 

Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Tràng Cát xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, với mức phạt 7 triệu đồng đối với chủ phương tiện và người lao động…

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, năm 2016 trên địa bàn Hải Phòng đã xảy ra gần 20 vụ lộn xộn, gây mất ANTT có liên quan đến các hộ nuôi ngao tại các khu vực bãi triều. 

Những vụ việc tranh chấp bãi nuôi ngao, dẫn đến một số vụ cố ý gây thương tích, loạn đả thường xảy ra ở các bãi triều như ở phường Tràng Cát, quận Hải An; phường Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy; phường Bàng La, quận Đồ Sơn và xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng…

Thất thu ngân sách và tiềm ẩn mất an ninh trật tự

Lợi nhuận từ nuôi ngao là rất lớn do hiện nay thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu đều có nhu cầu cao. Trong khi đó đặc thù nuôi ngao chỉ phát triển ở các vùng bãi triều rộng lớn trên biển, công tác quản lí về an ninh, trật tự khó khăn do địa bàn rộng, tiềm ẩn nguy cơ.

Theo thống kê sơ bộ của BĐBP Hải Phòng thì tại Hải Phòng hiện có khoảng 4.000ha bãi triều thuộc 6 quận, huyện ven biển là Cát Hải, Kiến Thụy, Đồ Sơn, Dương Kinh, Tiên Lãng và Hải An. Chỉ trong một thời gian ngắn từ một vài hộ nuôi ngao tự phát, tới nay trên địa bàn các quận, huyện này đã có hàng trăm hộ cắm vây, bãi nuôi ngao với tốc độ rất nhanh. 

Tại huyện Kiến Thụy, năm 2011 chỉ có một vài hộ nuôi ngao tự phát với diện tích vài chục hecta thì tới nay đã có tới 37 hộ cắm vây bãi với diện tích lên đến hơn 500ha. 

Tương tự, quận Đồ Sơn có 13 hộ nuôi ngao trên diện tích 140ha. Tại hầu hết các bãi triều khác trên địa bàn TP Hải Phòng cũng  đều “có chủ” cắm cọc, nuôi ngao và nhiều loại thủy, hải sản.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Coỏng, Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, phần lớn các hộ nuôi ngao là tự phát, không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, lại chưa có phân định ranh giới rõ ràng nên xảy ra tranh chấp giữa các hộ nuôi ngao với nhau và giữa hộ nuôi ngao với các phương tiện, doanh nghiệp khai thác cát. Việc lập lại trật tự trong hoạt động nuôi ngao, cũng như khai thác cát là yêu cầu cấp bách. 

Về phía BĐBP Hải Phòng, Phó Chỉ huy trưởng, Đại tá Nguyễn Minh Quang cũng khẳng định cần sớm có quy định về ranh giới quản lý hành chính các địa phương ven biển, phân định rõ ràng khu vực nuôi trồng thuỷ sản và khai thác cát, bởi tranh chấp thường xảy ra ở địa bàn giáp ranh. 

Bên cạnh đó, các hộ nuôi ngao phải được chính quyền địa phương thẩm định, cấp phép thay vì tự phát như hiện nay, vừa gây thất thu thuế, vừa khó khăn cho công tác quản lý.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Thanh Sơn sau khi kiểm tra thực tế tại một số khu vực bãi triều nuôi ngao đã yêu cầu liên Sở Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện quy định tạm thời về quản lý hành chính trên biển giữa các quận, huyện, tăng cường trách nhiệm quản lý, ổn định sản xuất kinh doanh tại các vùng nuôi ngao, tăng nguồn thu cho ngân sách. 

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế thuỷ sản của thành phố, quy định tạm giao quản lý hành chính trên biển, các địa phương tiếp tục lập quy hoạch tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền tới từng tổ chức, hộ nuôi ngao, để họ hiểu và chấp hành, yên tâm sản xuất, kinh doanh, cũng như hạn chế những vụ việc về ANTT, từng bước lập lại trật tự trong lĩnh vực trên.

Điều đáng nói là một diện tích mặt nước rộng đến hàng nghìn ha nhưng việc khai thác suốt nhiều năm qua được thực hiện theo hình thức hợp đồng “chui” với chính quyền các địa phương. 

Theo quy định của pháp luật, việc cho cá nhân thuê mặt nước thuộc thẩm quyền cấp quận, huyện, còn cho tổ chức thuê phải thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, tất cả diện tích nuôi ngao tính tới thời điểm này đều được chính quyền các xã, phường ký hợp đồng. Chỉ cần làm phép tính đơn giản, nếu 1ha mặt nước được cho thuê với giá rẻ nhất hiện nay là 5 triệu đồng, với 4.000ha, mỗi năm ngân sách thành phố Hải Phòng thất thu khoảng 20 tỷ đồng.

Văn Huy – Văn Thịnh
.
.
.