Công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án Khu đô thị mới Thới Lai
Liên quan đến những bất cập tại dự án Khu đô thị mới Thới Lai (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) mà Báo CAND nhiều lần phản ánh, ngày 13/8, Thanh tra TP Cần Thơ công bố quyết định thanh tra toàn diện dự án này.
- Sai cả hệ thống trong xác định vị trí khu đô thị mới huyện Thới Lai
- Bất cập trong đền bù dự án KĐT mới huyện Thới Lai, TP Cần Thơ
- Sà lan gây sập nhịp cầu kênh Đứng ở Thới Lai
- Nhiều câu hỏi về việc bồi thường tại Khu đô thị mới huyện Thới Lai
Đoàn Thanh tra TP Cần Thơ do ông Lê Đắc Cảnh, Phó Chánh Thanh tra TP Cần Thơ làm Trưởng đoàn đã công bố quyết định của Chánh Thanh tra TP Cần Thơ về việc thanh tra về trình tự thủ tục thực hiện dự án Khu đô thị mới huyện Thới Lai. Trong 30 ngày làm việc, đoàn sẽ thanh tra về chủ trương thực hiện dự án; trình tự thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án này.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trả lời câu hỏi của PV Báo CAND ngày 1/7/2020. |
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 7/2016, UBND TP Cần Thơ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới tại ấp Thới Thuận A (thị trấn Thới Lai). Dự án rộng 9,15 ha, vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cadif (thuộc Quỹ đầu tư phát triển TP Cần Thơ) làm chủ đầu tư.
Dự án có 511 nền liền kề, 21 nền nhà phố sân vườn, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông, cây xanh... Tuy nhiên, tháng 12/2017, UBND huyện Thới Lai lại ban hành các quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với 140 hộ dân tại ấp Thới Thuận B. Địa điểm được UBND TP Cần Thơ phê duyệt cách địa điểm UBND huyện Thới Lai triển khai thu hồi đất của người dân để giao cho chủ đầu tư dự án, cách nhau một con kênh rộng 35 mét.
Người dân bị ảnh hưởng bởi dự án rất bức xúc về các chính sách đền bù của huyện Thới Lai. |
Mãi đến tháng 2/2018, UBND TP Cần Thơ mới có quyết định điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án từ ấp Thới Thuận A thành ấp Thới Thuận B, với diện tích đất sử dụng khoảng 9,8ha (tăng 0,65ha so với quyết định ban đầu). Nhưng đến nay, do không đồng ý với phương án bồi thường, hàng chục hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng, chưa nhận tiền bồi thường.
Người dân cho rằng, UBND huyện Thới Lai ban hành quyết định thu hồi đất ở một vị trí mà không có trong quy hoạch được phê duyệt là hoàn toàn trái với quy định pháp luật, gây hậu quả cho các cá nhân bị thu hồi đất trái luật. Các hộ dân có đất liên quan đến dự án trên yêu cầu UBND huyện Thới Lai hủy bỏ quyết định thu hồi đất sai quy định. Ra quyết định thu hồi mới cho phù hợp và áp dụng chính sách mới cho toàn bộ diện tích đất đã thu hồi. Đồng thời, chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất và thu nhập cho người dân do quyết định ban hành sai quy định gây ra.
Mặt khác, lý do các hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng là do nhiều bất cập trong chính sách đền bù, giải tỏa. Trong số 59 hộ dân có đất cặp Tỉnh lộ 922 bị ảnh hưởng bởi dự án thì chỉ có 2 trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và 11 trường hợp khác được xét đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ của Hội đồng đăng ký đất đai - UBND huyện Thới Lai nên được bồi thường với giá 6.000.000đ/m2 và chính sách tái định cư theo quy định.
Khu đô thị mới Thới Lai đo Công ty cổ phần thiết kế Cadif làm chủ đầu tư. |
Số hộ dân còn lại, Hội đồng bồi thường huyện Thới Lai chỉ bồi thường với mức giá 40% của loại đất ODT 2016 (nghĩa là 6.000.000đ * 40% = 2.400.000đ/m2) và không được cấp tài định cư với lí do là đất không đủ điều kiện (!?). Các hộ dân nêu thắc mắc, tại sao cùng một loại đất, nhưng chỉ có 13 hộ “đủ điều kiện”, trong khi đó bản thân cũng đã ở định cư cũng như kinh doanh, sản xuất từ trước năm 1995 đến nay và nhiều lần yêu cầu ngành chức năng cấp GCNQSDĐ trước thời điểm công bố quy hoạch rất lâu nhưng đều bị từ chối.
Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND ngày 1/7/2020, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, việc xác định vị trí đất là sai cả hệ thống. Thứ nhất, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn, khảo sát để lập dự án đầu tư trình các cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND thành phố ra chủ trương, sau đó UBND huyện Thới Lai ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân.
Tuy nhiên, chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn sai ngay từ đầu. Địa chỉ đúng là ấp Thới Thuận B chứ không phải ấp Thới Thuận A. Trong các văn bản ban đầu là ấp Thới Thuận A, sau điều chỉnh sang ấp Thới Thuận B.
“Quan điểm chỉ đạo của UBND thành phố là cái nào sai thì phải sửa sai để thực hiện cho đúng; ra quyết định cho đúng địa chỉ vị trí đất thu hồi ở ấp Thới Thuận B; đảm các quyền lợi của người dân không bị thiệt hại. Thời điểm nào ra quyết định thu hồi đất thì phải bồi thường theo đúng thời điểm đó về giá, các cơ chế, chính sách, phải áp dụng đầy đủ cho người dân, tránh cho người dân bị thiệt hại. Vì lỗi này là lỗi do các cơ quan thực hiện”, ông Dương Tấn Hiển khẳng định.
Ở một diễn biến liên quan, trong số nhiều hộ dân ở ấp Thới Thuận B phản ứng, không đồng ý bàn giao đất, trong đó có hộ ông Nguyễn Hoàng Việt. Tuy nhiên cuối năm 2018, UBND huyện Thới Lai ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với ông Việt và sau đó đất được giao cho Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cadif thực hiện dự án. Vào cuối tháng 3, ông Nguyễn Hoàng Trung Kiên (con trai ông Việt) yêu cầu đơn vị thi công di dời tài sản ra khỏi nhà kho xây trên đất của ông Việt.
Bức xúc, ông Kiên điều khiển máy xúc kéo sập nhà kho. Theo giám định tài sản nhà kho có giá trị 29 triệu đồng. Sau đó, ông Kiên bị khởi tố và bị tòa hai cấp ở TP Cần Thơ tuyên phạt 9 tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, tịch thu máy xúc. Ông Kiên có đơn hoãn chấp hành án với lý do mình là lao động chính trong gia đình, vợ không nghề nghiệp, nuôi hai con nhỏ và cha mẹ già bị bệnh.
Ngày 10/8, TAND huyện Thới Lai có công văn trả lời đơn xin hoãn thi hành án của anh Kiên và buộc ông chậm nhất ngày 13/8 phải chấp hành án. Đến chiều 12/8, ông Kiên bất ngờ uống thuốc tự tử, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ cho biết, tại điểm c Khoản 1 Điều 67 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định người là lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt được hoãn đến một năm (trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng).
Cạnh đó, Điều 67 cũng quy định điều kiện hoãn chấp hành án hình phạt tù đối với người bị xử phạt tù có thể được hoãn trong trường hợp sau bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được phục hồi. Do đó, nếu người bị kết án thỏa mãn một trong các điều kiện trên thì có thể được xem xét hoãn thi hành án.
“Đối với trường hợp của anh Kiên, qua thông tin đại chúng về đơn xin hoãn thi hành án của anh này tôi thấy đủ điều kiện được xem xét hoãn thi hành căn cứ vào Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015”, Luật sư Đức nói.