Chủ tịch xã cũng có quyền xử phạt doanh nghiệp lữ hành vi phạm

Thứ Ba, 11/06/2019, 07:24
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Nghị định 45/2019/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017. Các mức xử phạt đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động.


Tại buổi tọa đàm triển khai Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức ngày 7-6, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: 

Nghị định 45/2019/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể những chế tài trong Luật Du lịch sửa đổi năm 2017. Các mức xử phạt đều tăng so với trước, nhiều hành vi vi phạm sẽ bị tước giấy phép hoạt động. 

Thực tế, cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp lữ hành cả quốc tế lẫn nội địa, nhưng nhiều quản lý đơn vị lữ hành không đọc quy định của Nghị định hoặc khi bị kiểm tra, xử lý thì viện dẫn những thông tin lập lờ như hợp đồng miệng, tin nhắn. 

Do vậy, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam phổ biến, hướng dẫn Nghị định 45/2019/NĐ-CP để các hội viên tuân thủ các quy định của pháp luật, khống chế các hoạt động phi pháp, lộn xộn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính hoạt động thuận lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành cũng kiến nghị những bất cập trong quá trình triển khai để kiến nghị xử lý.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các DN lữ hành đều cho rằng, với Nghị định này thì rất nhiều cơ quan quản lý cho tới cấp xã đều có thể ra quyết định xử phạt DN lữ hành, các điều khoản phạt tại Nghị định cũng rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, DN rất dễ bị phạt. 

Đơn cử như, tại Điều 7, khoản b, c. Trong khoản b: Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, quy định của nơi đến du lịch; khoản c: Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch ứng xử văn minh, tôn trọng bản sắc văn hoá, phong tục tập quán của Việt Nam và nơi đến du lịch. Với những hành vi vi phạm như vậy DN vi phạm bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. 

Theo các doanh nghiệp, với những thông tin không định lượng, mà chỉ định tính thì có thể xử phạt mọi lúc, mọi nơi. Rất khó cho doanh nghiệp lữ hành bởi các đơn vị chức năng có thể biến một việc rất bình thường thành quan trọng để xử phạt. Hay khi có sự cố xảy ra, DN gọi điện phản ánh cơ quan chức năng thì gọi ai? Nếu sự việc diễn ra vào 2-3h sáng thì gọi báo cho ai và làm gì để chứng minh doanh nghiệp có báo cáo, và phản ánh như thế nào để không bị xử phạt?

Bên cạnh đó, tại Điều 20 cũng nêu, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt 5 triệu đồng…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty TransViet cho biết: “Tôi quan tâm nhất là hai điểm liên quan đến hướng dẫn viên và xử phạt khi khách bỏ trốn. Trong việc sử dụng hướng dẫn viên có hành vi cung cấp, giới thiệu cho khách du lịch, có nội dung thông tin mang tính xuyên tạc lịch sử, văn hóa, chủ quyền quốc gia sẽ bị phạt 40 triệu - 50 triệu đồng. Việc này khi phát hiện sẽ bị phạt nặng và tước giấy phép, công bố công khai để các công ty lữ hành không thuê nữa. Trong khi đó, với việc khách bỏ trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái pháp luật, doanh nghiệp lữ hành sẽ bị phạt 80 - 90 triệu đồng. Tuy nhiên, rất khó phân biệt khách có chủ đích bỏ trốn theo con đường du lịch khi họ làm đủ thủ tục giấy tờ”.

Ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty du lịch Việt cũng cho biết: “Ngành Công an nên có thông báo về việc cấm xuất nhập cảnh với khách đã từng có hành vi bỏ trốn ở lại nước ngoài. Bởi khách làm hồ sơ theo đúng yêu cầu thì công ty du lịch khó từ chối”.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành, Giám đốc Công ty lữ hành Hainoitourits thừa nhận, với các quy định xử phạt hành chính theo Nghị định 45/2019, các đơn vị sẽ phải phổ biến lại quy trình tiếp nhận, ký hợp đồng, thông báo nội dung tour tuyến. Nếu cơ quan quản lý áp dụng công bằng, minh bạch với tất cả các doanh nghiệp khi vi phạm thì sẽ tạo môi trường tốt cho các doanh nghiệp lữ hành chân chính hoạt động.

Trân Trân
.
.
.