Doanh nghiệp lữ hành “ngồi trên lửa” chờ chính sách miễn visa

Chủ Nhật, 04/06/2017, 10:21
Các Hiệp hội Du lịch đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Kiến nghị gửi đi đã lâu cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì khiến các doanh nghiệp (DN) như “ngồi trên đống lửa”.

Chỉ còn gần 1 tháng nữa là hết thời hạn miễn thị thực (visa) có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu (Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italia). Các Hiệp hội Du lịch đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Kiến nghị gửi đi đã lâu cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì khiến các doanh nghiệp (DN) như “ngồi trên đống lửa”.

Cần tạo “ cú hích” từ visa

Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%. Trong 12 tháng đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh (7-2015 - 6-2016), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đạt gần 721.000 lượt người, tăng 15,4% so với gần 625.000 lượt của 12 tháng cùng kỳ tương ứng của năm 2014 và 2015.

Sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015, tăng thêm 87.000 lượt người so với lượng khách tăng ở mức 5,35%.

Điều đó cho thấy, chính sách đã có những tác động tích cực và lợi ích rõ ràng trong việc thu hút khách du lịch từ những thị trường này đến Việt Nam. Tuy nhiên, đến hết ngày 30-6-2017 sẽ hết thời hạn miễn thị thực cho công dân các nước trên, các đơn vị lữ hành rất nóng lòng trông chờ Chính phủ tiếp tục chính sách miễn giảm visa cho du khách các nước Tây Âu, bởi nếu chính sách này không được áp dụng nữa sẽ là một “bước lùi” cho ngành Du lịch.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cho rằng: “Việc chậm trễ trong việc công bố chính sách miễn giảm visa (có được tiếp tục thực hiện nữa hay không) như hiện tại đã và đang gây khó khăn lớn cho DN Việt. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần thông tin sớm việc có tiếp tục áp dụng chính sách trên nữa hay không để DN có thể chủ động lên kế hoạch thu hút khách”.

Theo ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, thời gian “thí điểm” như vậy là quá đủ. Gần 2 năm thực hiện miễn visa cho 5 nước Tây Âu chúng ta đã thấy rõ những được - mất. Hãy công tâm xem xét Việt Nam thu được gì khi miễn thị thực cho công dân đến từ thị trường 5 nước Tây Âu để có những quyết sách dài hạn và ổn định.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Hanoiredtour cho rằng, khi chính sách trên được gia hạn, các đơn vị lữ hành trong nước cùng đối tác quốc tế đã phải mất đến 5, 6 tháng tiếp tục quảng bá mới có được nguồn khách ổn định, mọi việc đang dần phát triển tốt thì lại rơi vào lo lắng vì không biết chính sách này có tiếp tục gia hạn hay không.

Hãy cho du khách quốc tế biết Việt Nam đang chào đón họ

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty La Palanche Voyages cho rằng, thực tế, mỗi khách đi 15 ngày tour chi khoảng 1.500 USD thì việc phải thêm 25 USD phí visa không quan trọng.

Tuy nhiên, việc Chính phủ cho phép miễn thị thực không quá 15 ngày đối với công dân 5 nước này thực sự rất tốt, làm thay đổi hoàn toàn việc mua tour của khách ở Việt Nam. Thay vì mua tour 3 tuần đến 4 tuần trong quá khứ, nay khách chỉ mua 15 ngày. Trong khi đó, 1 ngày tour tương đương 100 USD/khách. Vì thế, nếu miễn visa 30 ngày (tức là thêm 15 ngày), sẽ thu thêm 1.500 USD/đầu khách, tổng thu sẽ tăng thêm rất lớn.

Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour cho biết, việc miễn visa không phải là vấn đề tiền đối với du khách mà là xóa được những phiền hà từ thủ tục xuất nhập cảnh và quan trọng hơn là thể hiện sự hiếu khách cho những thị trường tiềm năng để khách được chào đón khi đến thăm Việt Nam.

Việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không phải chỉ là trách nhiệm của ngành Du lịch mà là của các ngành, các địa phương và toàn xã hội. Hơn nữa, đã xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp thì cũng phải chấp nhận quy luật cạnh tranh và điều tiết của thị trường. Việt Nam hoàn toàn có khả năng mở cửa, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đất nước mà vẫn đảm bảo được an ninh, an toàn quốc gia.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị Chính phủ tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu và các thị trường trọng điểm khác của du lịch Việt Nam. Việc miễn thị thực cho công dân các quốc gia này sẽ góp phần tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam và đạt 18-20 triệu lượt khách quốc tế đến vào năm 2020”.

Lưu Hiệp
.
.
.