Các nhà khoa học quan ngại ô nhiễm môi trường ở vịnh Xuân Đài
Trong số ra ngày 10-8, Báo CAND đăng bài “Hai danh thắng quốc gia đang bị bức tử”, có nội dung đề cập đến tình trạng hàng trăm hồ tôm “xẻ thịt” danh thắng đầm Ô Loan.
Ở danh thắng vịnh Xuân Đài không chỉ có rác thải tràn lan mà hàng chục ngàn lồng, bè tôm, cá của ngư dân xã Xuân Phương, phường Xuân Thành thả nuôi hàng chục năm qua theo kiểu tự phát, tranh chen với mật độ dày đặc, tồn dư chất thải từ thức ăn cho tôm hùm, cá bớp kết hợp vỏ ốc, sò, hến tích tụ tầng đáy nhiều năm khiến môi trường nước ô nhiễm.
Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng tôm hùm chết hàng loạt tái diễn nhiều lần. Gần đây nhất trong tháng 6-2017 đã có 769.175 con tôm hùm của 502 hộ gia đình thả nuôi ở phía Bắc vịnh Xuân Đài bị chết, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 700 tỷ đồng.
Tại cuộc hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi hùm bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 16-8, PGS-TS Nguyễn Phú Hòa – giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết một nhóm nhà khoa học đang tập trung thực hiện đề án độc lập “Nghiên cứu giải pháp xử lý ô nhiễm và quản lý môi trường vùng nuôi tôm hùm tập trung vịnh Xuân Đài”.
Rác thải tràn lan ở vịnh Xuân Đài. |
Từ những chuyến đi thực tế, TS Hòa nói rằng: “Tôi kinh hoàng khi chứng kiến tình trạng chất thải tại vịnh Xuân Đài. Mỗi ngày, có hàng tấn chất thải đủ loại từ các lồng bè thả nuôi tôm hùm và hồ nuôi tôm thẻ chân trắng… xả thẳng xuống vịnh.
Chất thải nuôi tôm hùm đã tích tụ từ hàng chục năm qua, tạo điều kiện tảo độc phát triển. Lớp bùn độc ấy khi bị bục vỡ, đảo trộn trong nước thì không thể con gì sống nổi. Rất có thể trong thời gian tới, thảm họa tôm hùm chết sẽ tiếp diễn”.
Nhiều nhà khoa học tham dự hội thảo đều cho rằng, nếu không tiến hành quy hoạch và quản lý nghiêm ngặt, khả năng thảm họa về môi trường sẽ xảy ra tiếp tục ở vịnh Xuân Đài, đương nhiên thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế là chuyện không thể tránh khỏi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - ông Trần Hữu Thế khẳng định, chính quyền đang quan tâm đặc biệt đến vấn đề đầu tư nguồn lực bảo vệ vùng nuôi thủy sản, nên mời các nhà khoa học nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp về môi trường bền vững.