Hai danh thắng quốc gia đang bị “bức tử”

Thứ Năm, 10/08/2017, 09:12
Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ trình chiếu từ tháng 10-2015, lượng du khách đến Phú Yên tăng trưởng nhanh. Thế nhưng sau khi thưởng ngoạn hai danh thắng quốc gia đầm Ô Loan và vịnh Xuân Đài, rất nhiều du khách đã bày tỏ băn khoăn, thất vọng...

Với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa hơn 400 năm, Phú Yên có 20 di tích lịch sử, danh thắng quốc gia và 37 di tích lịch sử, danh thắng cấp tỉnh, chiếm kỷ lục ở khu Nam Trung bộ. Trong đó có những cảnh quan thiên tạo độc đáo như gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, Đá Bia, Bãi Môn – Mũi Điện, vịnh Xuân Đài…

Sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ trình chiếu từ tháng 10-2015, lượng du khách đến Phú Yên tăng trưởng nhanh. Thế nhưng sau khi thưởng ngoạn hai danh thắng quốc gia đầm Ô Loan và vịnh Xuân Đài, rất nhiều du khách đã bày tỏ băn khoăn, thất vọng...

“Xẻ thịt ” danh thắng để... nuôi tôm

Dừng chân đỉnh đèo Quán Cau trên đường xuyên Việt ở xã An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) nhìn xuống phía Đông là đầm nước rộng nằm giữa vòng tay của núi. Phía sau tấm biển “Đầm Ô Loan – Di tích danh thắng quốc gia” là ruộng mía trải rộng triền núi, nhưng đi trên con đường vòng vèo hơn 4km chỉ thấy hoang sơ, còn phía Đông là mấy quán ăn uống bên cửa Lễ Thịnh nối biển với đầm.

Với diện tích 1.570ha, đầm Ô Loan được Bộ VH-TT&DL công nhận danh thắng quốc gia từ hơn 20 năm trước.

Hàng chục ngàn lồng bè tự phát của người dân thả nuôi tôm, cá trên vịnh Xuân Đài.

Ngoài Lễ hội đua thuyền ngày mùng 7 tháng Giêng mỗi năm, ở đầm Ô Loan không có dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao nào; thậm chí không có cơ sở lưu trú phục vụ nhu cầu du khách. Bất chấp pháp luật về đất đai, di sản văn hóa, bảo vệ môi trường… từ nhiều năm qua người dân “xẻ thịt” đầm Ô Loan, đào đắp hơn 750 hồ nuôi tôm với diện tích 325ha, trong đó chỉ có 66ha được UBND huyện Tuy An giao đất mặt nước nuôi trồng thủy sản, số còn lại lấn chiếm trái phép.

Không chỉ hồ nuôi tôm mà ven bờ đầm còn có 232 căn nhà, lán trại xây dựng trái phép với tổng diện tích gần 17.190m2. Người dân dựng lán trại đơn sơ rồi lén lút xây nhà mái ngói, vách gạch, nhưng chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai, di sản văn hóa và không kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật, nên danh thắng quốc gia bị xâm hại.

Trước thực trạng đó, năm 2014, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản chỉ đạo Sở TN&MT, Sở VH-TT&DL và UBND huyện Tuy An kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật ở đầm Ô Loan, phân định mốc giới bảo vệ danh thắng từ mép nước mở rộng lên phía bờ 100m. Nhưng đến thời điểm này, đầm Ô Loan đã bị lấn chiếm nhiều nơi khiến cho chính quyền địa phương và các cơ quan chức trách vấp phải không ít khó khăn, vì mức xử phạt vi phạm hành chính trên 30 triệu đồng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát, vận động đối tượng vi phạm tháo dỡ nhà ở, lán trại, hồ tôm xây dựng trái phép, sau đó mới áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm, cưỡng chế hành chính những trường hợp không tự khắc phục vi phạm.

Rác thải tràn lan trên vịnh

Với diện tích mặt nước 13.045ha, vịnh Xuân Đài trải rộng từ phía Bắc huyện Tuy An đến thị xã Sông Cầu. Nơi ấy nhiều cảnh quan thiên nhiên và bãi tắm tuyệt đẹp, đậm nét hoang sơ gắn liền địa danh như: Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Me… Có nhiều tiềm năng du lịch, nên vịnh Xuân Đài được Bộ VH-TT&DL công nhận di tích danh thắng quốc gia từ tháng 1-2011. Tiếc rằng, nhiều du khách bày tỏ thất vọng sau khi cất công tìm đến vịnh Xuân Đài.

Đi trên con đường phía Bắc vịnh Xuân Đài ở Xuân Phương, du khách nhìn thấy những “túi” rác ứ đọng cùng chất thải tồn dư từ thức ăn nuôi tôm hùm, cá bớp trong lồng bè bốc mùi hôi thối.

Ông Lê Văn Vinh, một người dân địa phương tâm sự: “Người dân vứt rác bừa bãi, trôi dập dềnh trên sóng nước. Gió Nam xô dạt túi ni lon, vỏ xốp, bao bì, vật dụng hư hỏng, xác chết động vật… tụ lại bên bờ đầm trước khu dân cư. Khi thời tiết biến động, gió bấc cuốn những túi rác ra trôi nổi tứ tung”. Không riêng ở xã Xuân Phương mà ven bờ vịnh Xuân Đài ở phường Xuân Thành, Xuân Đài cũng có không ít rác thải kết tụ, tồn dư nhiều ngày trôi nổi lềnh bềnh.

Cách bờ vịnh không xa là hàng chục ngàn lồng, bè tôm, cá của ngư dân xã Xuân Phương, phường Xuân Thành thả nuôi hàng chục năm qua theo kiểu tự phát, tranh chen với mật độ dày đặc, tồn dư chất thải từ thức ăn cho tôm hùm, cá bớp kết hợp vỏ ốc, sò, hến tích tụ tầng đáy nhiều năm khiến môi trường nước ô nhiễm. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng tôm hùm chết hàng loạt tái diễn nhiều lần.

Gần đây nhất, trong tháng 6-2017 đã có 769.175 con tôm hùm của 502 hộ gia đình thả nuôi ở phía Bắc vịnh Xuân Đài bị chết, khiến cho ngư dân “mất trắng” hơn 700 tỷ đồng. Những nhóm thanh niên tình nguyện đã có vài lần phối hợp chính quyền và người dân địa phương thu dọn, xử lý rác thải ven vịnh Xuân Đài, nhưng sau đó những “túi” rác thải tái tụ ven bờ chỉ vì nhận thức người dân thấp kém.

Ông Phạm Kiên, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu cho biết, ngoài việc tuyên truyền vận động người dân bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, UBND thị xã Sông Cầu sẽ chỉ đạo Phòng TN&MT phối hợp các xã, phường tiếp tục thu dọn rác thải ven vịnh Xuân Đài, đồng thời kiểm tra, xử lý hành chính một số trường hợp vi phạm để nâng cao hiệu quả giáo dục, đấu tranh phòng ngừa tái phạm.

Hữu Toàn
.
.
.