Việt Nam ứng phó với nguy cơ biến chủng mới Omicron xâm nhập

Thứ Hai, 29/11/2021, 12:17

Biến chủng Omicron đang khiến thế giới lo ngại vì nó có thể phá vỡ thành quả chống dịch của toàn cầu khi biến chủng này có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta. Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron, nhưng chuyên gia dịch tễ cho rằng, chúng ta phải tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở cửa khẩu, biên giới, làm các xét nghiệm trong nước, giải trình tự gien.

Có vô hiệu hóa vaccine?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 được gọi là Omicron (B.1.159) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta)

Trước những nguy hiểm khó lường do biến chủng mới Omicron có thể đem lại, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, WHO dự đoán biến chủng Omicron nguy hiểm do đột biến trên protein gai quá nhiều, gấp đôi so với biến thể Delta. Với những đặc điểm của biến chủng Omicron, dự báo biến chủng này lây lan nhanh hơn nhiều lần biến thể Delta. 

Hiện nay vẫn còn nghiên cứu biến chủng mới Omicron có đáp ứng với các loại vaccine phòng COVID-19 hay không, nếu trong trường hợp biến chủng kháng lại vaccine thì sẽ ra sao?

“Trong trường hợp này lại phải sản xuất loại vaccine mới, nhưng vaccine mới không quá phức tạp như vaccine lúc đầu, mà dựa trên công nghệ vaccine cũ có những thay đổi để tạo ra vaccine mới phòng chủng mới, nên có khả năng sẽ có vaccine sớm hơn. Giống như bệnh cúm hàng năm, xuất hiện chủng cúm mới, chúng ta lại nghiên cứu sản xuất vaccine mới trên nền công nghệ cũ”, ông Phu nói.

Việt Nam ứng phó nguy cơ biến chủng mới Omicron xâm nhập -0
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Bộ Y tế giao giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới. 

Tuy nhiên, theo ông Phu biến thể mới nếu vô hiệu hóa các vaccine phòng COVID-19 hiện nay và mức độ lây lan nhanh thì sẽ rất nguy hiểm. Việc khẳng định mức độ lây lan, mức độ vô hiệu hóa vaccine còn tiếp tục nghiên cứu. Việc bao phủ vaccine vẫn cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch cho cộng đồng, không chỉ ở biến chủng mới mà còn phòng và ngăn chặn biến chủng Delta.

Theo TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, liên quan đến vaccine hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm trên những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tuy nhiên, liệu có tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vaccine hay chưa thì còn cần phải theo dõi trong thời gian tới. Hiện tại, các hãng sản xuất vaccine cũng đang ráo riết thực hiện những giám sát tác động cùng với chính phủ các nước.

Nhà sản xuất Moderna cho biết, họ đang khẩn trương làm việc để kiểm tra khả năng vô hiệu hóa biến thể của vaccine và dự kiến sẽ có dữ liệu trong những tuần tới. AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu ở các địa điểm, nơi mà biến thể đã được xác định. Pfizer cũng đang điều tra tác động của biến thể này đối với mũi tiêm của họ, với dữ liệu được dự kiến sẽ có trong vòng vài tuần tới. Johnson & Johnson tuyên bố công ty cũng đang thử nghiệm hiệu quả của vaccine chống lại Omicron.

Về độc lực của biến chủng mới, ông Phu cho biết, hiện chưa có kết luận về mức độ nặng do biến thể mới Omicron gây ra với con người. Nhưng, nguy cơ  lây lan nhanh, vaccine không còn tác dụng sẽ có nhiều người nhiễm thì có thể sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế. Vì vậy, chúng ta phải thích ứng linh hoạt xem mức độ của biến chủng mới như thế nào để có biện pháp ứng phó.

Các giải pháp ứng phó

Hiện nhiều quốc gia đã bắt đầu thực hiện các lệnh đóng cửa du lịch, đặc biệt với những quốc gia nguy cơ. Các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đồng ý đưa ra các hạn chế tạm thời đối với tất cả các chuyến đi vào EU từ miền nam châu Phi vì lo ngại về biến thể này, gồm những nước Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe. Canada sẽ cấm nhập cảnh những công dân nước ngoài đã từng đi qua miền nam châu Phi trong 14 ngày qua... 

Trước lo ngại của người dân trong nước về biến chủng mới Omicron có tốc lây lan nhanh gấp nhiều lần, ông Phu cho rằng cách phòng bệnh tốt nhất là dừng các chuyến bay tới các nước Châu Phi đang có dịch; tăng cường kiểm soát dịch bệnh biên giới, cửa khẩu. Đặc biệt lưu ý người ở châu Phi đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam. “Cần làm các xét nghiệm trong nước, lấy mẫu, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen”, ông Phu nhấn mạnh. 

Giải pháp lúc này theo ông Phu là người dân cần tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế bởi biến chủng mới lây lan nhanh thì 5K là biện pháp hạn chế lây nhiễm tốt nhất. Luôn nâng cao cảnh giác, không phải giãn cách diện rộng như trước đây nhưng càng hạn chế tụ tập đông người càng tốt. Tiếp tục hợp tác quốc tế để theo dõi diễn biến trên thế giới để có biện pháp ứng phó.

Việt Nam ứng phó với nguy cơ biến chủng mới Omicron xâm nhập -0
PGS.TS Trần Đắc Phu.

Còn theo TS Phạm Quang Thái, từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp đã có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi còn trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc. "Ngành y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành an ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn", TS Thái nói.

Về việc giải trình tự gien, TS Thái cho rằng, trong mọi trường hợp, cần định kỳ giải trình tự gien theo tỷ lệ của các bệnh nhân mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm. Kèm theo đó, việc tiếp cận với các quốc gia, các hãng dược/vaccine để có được thông tin mã di truyền giúp điều chỉnh công nghệ vaccine trong nước là việc cũng phải nhắm tới ngay để có thể có sản phẩm vaccine trong nước cho tiêm mũi tăng cường đặc biệt cho chủng mới. Đây không phải chỉ là vấn đề về chỉ đạo mà cần có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất vaccine sinh phẩm chẩn đoán sớm có được sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm phục vụ chống dịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo thêm: Các địa phương phải sẵn sàng, chủ động chuẩn bị cơ sở điều trị, trang thiết bị y tế, hệ thống oxy, tăng cường nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đáp ứng khi có tình huống xấu xảy ra. Tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, tuân thủ 5K. 

Vào tối 28/9, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp phòng, chống biến thể mới Omicron. Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Trần Hằng
.
.
.