Giải pháp trước thực trạng ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao

Thứ Hai, 29/11/2021, 08:26

Trong 6 ngày liên tiếp, số ca mắc COVID-19 trên cả nước tăng cao trở lại, vượt mốc 10.000 ca/ngày, đặc biệt trong 2 ngày 26 và 27/11, Việt Nam đều ghi nhận trên 13.000 ca. Ngày 26/11, TP Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 1.800 ca bệnh - cao nhất trong 1 tháng qua, sau đó tới các tỉnh Tây Nam bộ.

Chúng ta đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các chuyên gia dự báo, số ca mắc mới còn tăng cao hơn nữa.  Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế): "Khi thực hiện Nghị quyết 128, mục tiêu đặt ra chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng nhưng không quá nhiều, giảm ca bệnh nặng để tránh quá tải hệ thống y tế và giảm tử vong. Trong lúc này chúng ta đang kiểm soát được tình hình dịch như vậy".

Số ca mắc có thể tăng cao nữa

Theo ghi nhận, đến nay 60 tỉnh, thành của Việt Nam đều ghi nhận ca nhiễm COVID-19, chỉ còn 3 tỉnh không có ca lây nhiễm thứ phát trong 14 ngày. Ngày 26/11, Việt Nam ghi nhận số ca mắc cao nhất trong hơn 1 tháng qua - 13.109 ca COVID-19, trong đó đứng đầu là TP Hồ Chí Minh 1.809 ca, sau đến Cần Thơ gần 897 ca, Bình Dương 707 ca, Tây Ninh 655 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 653 ca, Đồng Tháp 601 ca… Ngày 27/11, số ca mắc mới giảm hơn nhưng vẫn vượt mốc 13.000 ca, cao nhất vẫn là TP Hồ Chí Minh 1.773 ca, đứng thứ hai là Cần Thơ 954 ca, sau đến Bình Dương 716 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 697 ca… Hà Nội là địa phương có số ca mắc cao nhất ở phía Bắc, trong 12 ngày liên tiếp, Thủ đô đều ghi nhận trên 200 F0, có ngày lên gần 300 người dương tính. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.667 ca/ngày, tăng cao hơn nhiều so với 1 tháng trước đây.

Giải pháp trước thực trạng ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao -0
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo nhận định của Bộ Y tế, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, thậm chí có ngày Cần Thơ ghi nhận đến 1.300 ca mắc mới, gần bằng với TP Hồ Chí Minh. Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã có nhiều biện pháp dự phòng, song số ca mắc mới ở đây đang tăng trở lại. Theo một chuyên gia dịch tễ, tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh cao, còn nhiều F0 cộng đồng nhẹ, không triệu chứng nên chưa được phát hiện. Nếu xét nghiệm thì con số dương tính còn tăng hơn nữa.

Đánh giá về nguyên nhân số ca mắc tăng cao trong thời gian qua, trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, 13.000 ca mắc mới là chuyện chúng ta đã dự báo trước khi chúng ta nới lỏng để phát triển kinh tế. COVID-19 không chỉ tập trung tại 4 tỉnh phía Nam là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, mà xuất hiện rải rác khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Khi nới lỏng, mở cửa các hoạt động, tiếp xúc đông người tăng lên thì nguy cơ lây lan cũng tăng theo. Qua theo dõi các ổ dịch cho thấy lây lan chủ yếu là do tiếp xúc đông người như đám ma, liên hoan, đi lại (chủ yếu bằng đường bộ từ các vùng dịch về); hoặc mầm bệnh có sẵn trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây, đi lại tiếp xúc với nhiều người dẫn đến lây lan nhanh. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.

4 việc cần làm để kiểm soát dịch

Nhiều người lo ngại khi số ca mắc tăng cao, sẽ dẫn tới quá tải hệ thống y tế và tăng tử vong? Nhiều địa phương đã quá tải giường điều trị F0 và kêu gọi Bộ Y tế chi viện. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã nhận được chi viện của một số địa phương như Tây Ninh, Cần Thơ và cử đoàn đã giao cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh làm đầu mối đến các địa phương nơi có dịch bệnh phức tạp.

Bộ Y tế đã quyết định lập 3 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, giải pháp cho số ca mắc tăng cao, quan trọng nhất là tăng cường cho người bệnh được tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong. Một số chuyên gia cho rằng, khi số ca mắc cao thì người bệnh cần được trang bị các loại thuốc để sử dụng tại nhà, đặc biệt là thuốc kháng virus Molnupiravir. Đây là thuốc đã triển khai thí điểm điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà ở 34 tỉnh, đã được chứng minh giảm tải lượng virus, giảm nguy cơ lây lan và giảm tử vong cho người bệnh.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để kiểm soát dịch COVID-19 trong tình hình mới, ông Phu nhấn mạnh, cần tổng hợp các giải pháp, trong đó lưu ý 4 việc cần làm.

Thứ nhất, các địa phương cần phải giám sát dịch tốt, đánh giá nguy cơ thì mới có thể biết được tình hình dịch ở địa phương mình như thế nào. Bằng hình thức như xét nghiệm các đối tượng nguy cơ, xét nghiệm vùng nguy cơ; xét nghiệm đánh giá nguy cơ như các trường hợp ho sốt phải xét nghiệm, nhân viên y tế, lái xe... các khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ búa, siêu thị…

Thứ 2, khi có dịch vẫn phải truy vết, phát hiện, quây ổ dịch càng nhỏ càng tốt, không thể buông xuôi cho rằng tiêm vaccine rồi thì không cần quây ổ dịch. Đồng thời, quan trọng nhất là phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở tất cả các ngành nghề, các khu vực như mô hình xí nghiệp an toàn, chợ búa an toàn, siêu thị an toàn, trường học an toàn, vận tải an toàn...

Thứ 3, cần phủ nhanh vaccine COVID-19. Việc rút ngắn thời gian cách ly, cách ly tại nhà, nới lỏng được hay không là ở vấn đề vaccine.

Thứ 4, các bệnh nhân COVID-19 phải được tiếp cận sớm với y tế, phải được điều trị. Các tỉnh, thành cần chuẩn bị các cơ sở hồi sức cấp cứu, chuẩn bị theo cơ số, theo đánh giá nguy cơ từng tỉnh thành.

Theo ông Phu, trong tình hình mới, phải đánh giá nguy cơ để có sự chuẩn bị trước. Đặc biệt, hạn chế giãn cách xã hội, trừ khi kiểm soát dịch không hiệu quả. Quan trọng nhất lúc này vẫn là ý thức phòng dịch của người dân bởi hiện tại nguyên tắc số 1 vẫn là vaccine và 5K.

Trần Hằng
.
.
.