Vì sao phải đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào chi trả bảo hiểm y tế?
Theo BS Phan Văn Toàn, máu và các chế phẩm từ máu đã được đưa vào thanh toán BHYT, nhưng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chưa quy định nội dung này. Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, trong đó có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan, Myanmar.
Mỗi năm, cả nước có gần 100.000 trẻ sinh ra là trẻ đẻ non và nhẹ cân, rất nhiều trong số đó không được tiếp cận sữa mẹ đẻ trong những ngày đầu đời vì trẻ phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày và bà mẹ thường quá căng thẳng khó tạo đủ sữa. Hiện nay, giá 1 lít sữa mẹ hiến tặng thanh trùng ở Ngân hàng sữa mẹ khoảng 1,4 triệu đồng, có những em bé sinh non phải điều trị hồi sức vài tháng, tiền sữa mẹ thanh trùng lên tới hơn 30 triệu đồng, đây cũng là gánh nặng chi phí cho nhiều gia đình Việt Nam.
Tại hội thảo "Hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật BHYT" do Bộ Y tế tổ chức ngày 17/11, BS Mai Hương, Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, sữa mẹ hiến tặng là lựa chọn thứ hai sau sữa mẹ để nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng sữa mẹ hiến tặng tự phát chưa qua thanh trùng có tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh lý như HIV, viêm gan B và C, giang mai và một số bệnh lý nhiễm trùng khác.
Tại Việt Nam, từ năm 2017, ngân hàng sữa mẹ được thiết lập tại cơ sở y tế khám, chữa bệnh có dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em. Ngân hàng sữa mẹ vận động hiến tặng từ những bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, sàng lọc và thu nhận sữa mẹ hiến tặng, thực hiện quy trình xử lý sữa mẹ hiến tặng, quản lý và sử dụng sữa mẹ thanh trùng, đảm bảo mọi trẻ sinh ra đều được nuôi bằng sữa mẹ, giúp trẻ có sức khoẻ tối ưu.
Việt Nam hiện có 5 ngân hàng sữa mẹ đi vào hoạt động ở các bệnh viện gồm: Phụ sản Nhi Đà Nẵng; Từ Dũ; Sản Nhi Quảng Ninh; Nhi Trung ương; Hùng Vương và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ). "Tới nay có hơn 4.000 bà mẹ hiến tặng 30.000 lít sữa, cung cấp cho 55.000 trẻ sơ sinh. Trung bình mỗi năm thu nhận hơn 10.000 lít sữa từ 350 bà mẹ hiến tặng, cung cấp hơn 9.300 lít sữa mẹ thanh trùng hiến tặng, đạt chuẩn cho hơn 18.000 trẻ. Tỷ lệ sữa đạt chất lượng vi sinh ngày càng cải thiện, tăng từ 74% (2017) lên 95% (2022), không có biến cố bất lợi", BS Hương nói.
Theo BS Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý có nhu cầu sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Nếu vận hành tối đa công suất, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ có thể thanh trùng được 102 lít sữa mỗi ngày, đáp ứng đủ nhu cầu của toàn quốc qua hệ thống vận chuyển lạnh. Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, bác sĩ đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước đều đề xuất đưa nguồn sữa này vào phạm vi quyền lợi của người được BHYT trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi đang hoàn tất để trình Chính phủ.
Theo bà Vũ Hoàng Dương, quản lý Chương trình Việt Nam, Aive và Thrive Đông Á Thái Bình Dương, theo tính toán dựa trên chi phí vận hành ngân hàng sữa mẹ thực tế, giá thành sữa mẹ thanh trùng khoảng 1,4 triệu đồng/lít. Trung bình mỗi trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý sử dụng từ 50ml - 200ml/sữa/ngày, tương đương khoảng 70.000-280.000 đồng/ngày. Trẻ sử dụng nhiều nhất là 23.925 lít trong trường hợp mẹ nhiễm COVID-19 mức độ nặng phải chuyển bệnh viện dã chiến (trẻ đẻ non 27 tuần tuổi, nặng 1,1kg), tổng chi phí hết hơn 31 triệu đồng do gia đình tự nguyện chi trả vì mong muốn lợi ích tốt nhất cho trẻ trong những ngày đầu điều trị tại hồi sức sơ sinh.
"Dự báo nếu Quỹ BHYT chi trả chi phí sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho nhóm trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý thì mỗi năm là 30,8 tỷ đồng, tương ứng 0,46% Quỹ BHYT. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm Quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được 76 tỷ đồng từ việc giảm chi phí điều trị cho các bệnh lý viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, lạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt nếu toàn bộ trẻ sinh non nhẹ cân được thanh toán tiền sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong thời gian điều trị tại bệnh viện", bà Dương nhấn mạnh.
Theo BS Phan Văn Toàn, máu và các chế phẩm từ máu đã được đưa vào thanh toán BHYT, nhưng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chưa quy định nội dung này. Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, trong đó có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan, Myanmar. BHYT chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng sẽ tạo điều kiện để mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được vận hành tối đa công suất. Như vậy, mọi trẻ đẻ non, bệnh lý chưa có sữa mẹ đẻ sẽ được tiếp cận sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh.
Theo ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, việc thực hiện chính sách BHYT cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng phù hợp với Điều 43 Luật Trẻ em và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Y tế thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025.