Tỷ lệ bệnh nhân ung thư máu sống trên 5 năm tăng nhờ ghép tế bào gốc

Thứ Năm, 28/11/2024, 11:02

Bệnh ung thư máu ác tính nếu điều trị đơn thuần, thời gian sống đến 5 năm là 20-30%. Điều trị bằng ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm từ 50-60%. 

Với người bệnh ung thư máu, ngoài các phương pháp điều trị thông thường, ghép tế bào gốc tạo máu được coi là phương pháp điều trị tối ưu. 

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2024 tổ chức ngày 28/11, PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng ban Tổ chức hội nghị cho biết, lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Việc điều trị biến chứng sau ghép đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh.

Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép tế bào gốc tạo máu, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.

Ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân ung thư sống trên 5 năm được nâng cao -0
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh phát biểu tại hội nghị.

Nhiều bệnh nhân sau khi được ghép tế bào gốc đã sống trên 10 năm, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Ghép tế bào gốc tạo máu có thể điều trị các bệnh máu như: Đa u tủy xương, u lympho Hodgkin, u lympho không Hodgkin, lơ-xê-mi cấp tiền tủy bào….

Trong điều trị ung thư máu, phần lớn những kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang thực hiện như: Điều trị nhắm đích bằng các loại thuốc mới nhất, ghép tế bào gốc tạo máu, truyền máu chất lượng cao cho bệnh nhân…, đều đã được triển khai ở Việt Nam, đặc biệt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, mang lại nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh.

Trong ghép đồng loài điều trị các bệnh ác tính có hiệu ứng ghép chống khối u hay chống lơ-xê-mi. Đó là nhờ tế bào gốc vào cơ thể sẽ sinh ra các tế bào miễn dịch. Các tế bào này coi những tế bào ung thư như những “kẻ thù” và sinh ra các hiệu ứng miễn dịch để tiêu diệt chúng, giống như tiêu diệt các vi khuẩn/virus lạ thông thường trong cơ thể. Nhờ đó, tế bào ung thư không có cơ hội trỗi dậy gây tái phát.

Ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân ung thư sống trên 5 năm được nâng cao -0
Hội nghị quy tụ gần 1.600 đại biểu tham dự.

Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật liên quan đến tế bào gốc, các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư máu và bệnh lý huyết học. Nhờ liên tục cập nhật các phác đồ điều trị, đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc mới, thuốc nhắm đích và nâng cao hiệu quả truyền máu mà chất lượng điều trị các bệnh lý huyết học ngày càng tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư.

Theo PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, thời gian tới, ngành Huyết học - Truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang phát triển như: Ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới. Đây là những phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và chữa khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm nay quy tụ 1.600 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Singapore; các nhà khoa học đầu ngành trong nước về Huyết học - Truyền máu, các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Ghép tế bào gốc tạo máu, tỷ lệ bệnh nhân ung thư sống trên 5 năm được nâng cao -0
Người bệnh ghép tế bào gốc tạo máu.

Chương trình khoa học của Hội nghị gồm 121 báo cáo thuộc tất cả các lĩnh vực thuộc chuyên ngành Huyết học – Truyền máu, được chia thành 17 phiên. Trong đó, 5 chuyên gia quốc tế sẽ trình bày 6 báo cáo cập nhật kiến thức về các vấn đề: ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, điều trị nhắm đích, bệnh lý huyết khối và các biến chứng chảy máu liên quan tới cấy ghép thiết bị tạo nhịp tim và can thiệp mạch máu não…

Lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở các bệnh máu; góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý huyết học và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh di truyền với 13,8% dân số mang gen bệnh cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương. 

Trần Hằng
.
.
.