Thiếu máu mãn tính chi dưới khiến nhiều người phải cắt cụt chân

Thứ Bảy, 09/07/2022, 07:37

Bệnh động mạch chi dưới mạn tính (hay thiếu máu mãn tính chi dưới) là một bệnh lý phổ biến, tiến triển dai dẳng và theo từng giai đoạn nhưng nhiều người không chú ý, tưởng bị chuột rút, tê mỏi chân, khi tới viện đã ở giai đoạn muộn, ngón chân thối đen xì phải cắt bỏ.

Bệnh thường gặp ở người bị rối loạn chuyển hóa mãn tính (tiểu đường), xơ vữa mạch máu, nhưng thời gian gần đây đã trẻ hóa. Mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) mổ và can thiệp cho 200-300 ca mắc động mạch chi dưới mãn tính, trong đó có nhiều người phải cắt cụt chi, ảnh hưởng đến chức năng sống.

Mất chi do đến viện muộn

Tại Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi gặp khá nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh động mạch chi dưới mãn tính. Anh N.K.T (52 tuổi, Hưng Yên) đã mổ bắc cầu chân phải, đang nằm chờ phẫu thuật tiếp. Theo lời kể của anh, cách đây 1 tháng, đang ngồi ăn cơm, lúc đứng dậy chân anh đau nhói khiến phải ngồi thụp xuống. Sau đó, chân anh ngày càng đau hơn, ngón cái đen dần và hoại tử. “Tôi không có bệnh nền, không hút thuốc lá, từ trước đến giờ không bị đau chân bao giờ, nay đau 1 tháng mà mất chân”, anh T khó khăn nói.

Anh T nhập viện đến nay đã được 1 tuần. Chị N.T.L (vợ anh T) cho biết: “Bác sĩ chẩn đoán bị tắc mạch cấp tính. Anh ấy vừa mổ bắc cầu xong và chuẩn bị mổ cắt ngón chân. Bác sĩ nói nếu không mổ nhanh sẽ thối lên trên, phải cắt cả chân chứ không chỉ cắt ngón chân. Bệnh đã chuyển từ cấp tính mãn tính, bác sĩ nói đây là trường hợp hiếm gặp”.

Nằm điều trị cùng phòng với anh T là nam bệnh nhân 65 tuổi ở Nam Định, bị đau chân từ cách đây 6 tháng. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, nghiện thuốc lá. Ngón áp út chân phải của bệnh nhân đã hoại tử đen xì. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức - Chủ tịch Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, trường hợp của nam bệnh nhân này không có cách nào chữa khỏi, chỉ có cắt ngón chân.

Thiếu máu mãn tính chi dưới khiến nhiều người phải cắt cụt chân -0
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước thăm khám cho bệnh nhân chuẩn bị phải phẫu thuật cắt bỏ ngón chân do thiếu máu chi dưới mãn tính.

Trường hợp khác là cụ ông 74 tuổi ở Thái Bình bị thiếu máu mãn tính, huyết áp cao và máu nhiễm mỡ, đau chân liên tục nhưng lại tưởng bị khớp và chuột rút nên không đi khám. Lâu dần bệnh tình càng nặng khiến chân ông teo nhỏ, viêm ửng đỏ, tắc mạch máu từ trên bẹn xuống. Khi thăm khám cho trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, đây là bệnh nhân đến viện muộn, mắc bệnh ở giai đoạn 3, chưa đến mức thối ngón nhưng trong tình trạng xấu.

 Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực cho biết thêm, ông từng điều trị cho cụ ông quê ở tỉnh xa bị đau chân 4 tháng không ngủ vì bệnh thiếu máu mãn tính chi dưới. Cụ nhập viện trong tình trạng suy nhược, chỉ ngồi bó gối ôm chân đau đớn. Do con cái đi làm xa, mình cụ ở quê nên khi đau chân chỉ biết chịu đựng, không đi khám. Lúc đầu, cụ ông đi bộ bị đau chân, lâu dần cơn đau tăng lên khiến suốt 4 tháng cụ không ngủ. Khi nhập viện, ngón chân cụ đã thối. “Đây là trường hợp nhập viện muộn, chân không thể bảo tồn được mà phải cắt bỏ”, PGS Ước kể lại.

Căn bệnh thầm lặng nguy hiểm

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, bệnh thiếu máu mạn tính chi dưới là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu đến các cơ quan bộ phận chi dưới như cơ và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da... ở phía hạ lưu. Nguyên nhân chính (chiếm 95%) dẫn đến căn bệnh này là do người bệnh bị xơ vữa mạch máu và đái tháo đường. Ngoài ra còn nguyên nhân khác là bệnh tự miễn ở người trẻ tuổi gây mạch máu hẹp và tắc lại. Mạch máu nuôi chi, dày, xơ vữa và tắc dần dần. Khi tắc nghẽn, cơ thể đưa máu bằng đường phụ xuống chân để nuôi thêm chân khiến tình trạng ngày càng tồi tệ và kéo dài một thời gian gọi là tắc mãn tính. Nếu tắc cấp tính chỉ một thời gian ngắn chân bị thối và phải cắt cụt chi.

Vậy ai hay bị căn bệnh này? Bệnh thường xảy ra ở nam giới trên 60 tuổi và nữ giới từ 70 tuổi trở lên. Yếu tố ảnh hưởng tới căn bệnh này là hút thuốc lá, thuốc lào, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu... Nếu bệnh nhân có xơ vữa động mạch kèm đái tháo đường, hút thuốc lá bệnh càng tiến triển nhanh và nặng hơn.

Theo ThS.BS Lê Nhật Tiên, Phó trưởng Khoa Nội, Can thiệp tim mạch và Hô hấp, Tổng thư ký Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, trung bình 1 năm Bệnh viện Việt Đức cả mổ và can thiệp cho người bệnh bị tắc động mạch chi dưới khoảng 200-300 ca. Theo số liệu nghiên cứu năm 2015, trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị bệnh thiếu máu chi dưới. Có hơn 20% người trên 70 tuổi sẽ bị tắc động mạch chi dưới. Khi bệnh đã ở giai đoạn muộn (3-4), 20% bệnh nhân phải cắt cụt chi. Với những người có rối loạn mỡ máu, tiểu đường, hút thuốc lá, nguy cơ càng cao, xu hướng bệnh ngày càng trẻ hóa.

Theo các bác sĩ, gần đây người trung niên bị thiếu máu mãn tính chi dưới gia tăng và ngày càng trẻ hóa do thói quen hút thuốc lá. Tại Việt Nam, bệnh ít được quan tâm nên khi vào viện, bệnh nhân hầu như phải cắt cụt chi gây tàn phế hoặc nhiễm trùng huyết. Chi phí chữa căn bệnh này khá tốn kém nếu phải can thiệp. Vì vậy, theo khuyến cáo của PGS Ước, bệnh nhân khi có dấu hiệu sau phải được kiểm tra sớm: Có cảm giác đau như chuột rút, đau cách hồi, tê mỏi chân, thậm chí đi bộ 300m cũng đau không đi được. Bệnh càng nặng, khoảng cách gây đau sẽ càng ngắn lại và chuyển sang đau liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Cuối cùng các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như chân bị teo nhỏ dần, da sạm, đầu ngón chân thối đau.

Để giúp người dân phát hiện sớm bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình khám và tư vấn miễn phí bệnh thiếu máu mạn tính chi dưới bởi các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực điều trị bệnh mạch máu. Thời gian khám là ngày 30/7/2022.

Trần Hằng
.
.
.