Thiếu cơ sở điều trị bệnh tâm thần ở huyện, xã

Chủ Nhật, 06/08/2023, 07:59

Theo kết quả khảo sát năm 2022 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cả nước có 61,3% (398/649) bệnh viện huyện/trung tâm y tế quận, huyện tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 9,1% (59/649) cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho bệnh này. Kết quả này cho thấy khoảng trống lớn về điều trị rối loạn tâm thần tại tuyến quận, huyện.

Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu.

Thấy con có biểu hiện của rối loạn lo âu, chị Nguyễn Thị Hương (Lào Cai) liên hệ với người quen ở Hà Nội để đưa con đi khám bác sĩ tâm lý. Vượt hơn 300km đưa con về Hà Nội, cháu được bác sĩ tâm lý ở một bệnh viện tuyến Trung ương thăm khám. "Bác sĩ kết luận cháu bị trầm cảm mức độ nhẹ, phải điều trị, nhưng vì còn đi học, nhà lại ở xa, nên đành mỗi tuần phải đưa cháu xuống Hà Nội 1 lần vào ngày nghỉ", chị Hương cho biết.

Thiếu cơ sở điều trị bệnh tâm thần ở huyện, xã -0
Ảnh minh hoạ

Do muốn tìm bác sĩ tâm lý có uy tín, chị Hương đành phải chấp nhận mất thời gian và công sức, tiền của từ Lào Cai đi Hà Nội chữa bệnh cho con. Tương tự, một phụ huynh lặn lội từ Bắc Kạn đưa con đến Bệnh viện E khám cũng cho biết: "Ở quê không tìm được bác sĩ tâm lý, nên phải đưa con xuống tuyến trung ương". Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện E cho biết, không chỉ tư vấn, điều trị cho bệnh nhân ở Hà Nội, mà còn nhiều người ở các tỉnh khác tìm đến Bệnh viện E để điều trị. Ngay như Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, có những thời điểm rất thiếu chuyên gia và bác sĩ tâm lý, trong khi số lượng bệnh nhi vào đây khám luôn luôn đông.

Tại Hội thảo Xây dựng đề án tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khoẻ tâm thần giai đoạn 2023 -2030 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức ngày 3/8 vừa qua đã đưa ra con số, cả nước có khoảng 100 triệu dân, trong đó có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả, do vậy các nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế. Không có dịch vụ sức khỏe tâm thần chính thức cho người dân bị tác động của thiên tai, thảm họa như lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh (như đại dịch COVID19).

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Bệnh viện Tâm thần Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%.

Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Theo đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, hiện nay ở Việt Nam chủ yếu là chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, nghĩa là chủ yếu có ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh. Trong khi đó, theo điều tra của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, hai bệnh trên chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số và tổng các rối loạn tâm thần là 14,2% dân số. Phần lớn người bị rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó, tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như lo âu, nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Trần Hằng
.
.
.