Sốt xuất huyết lây lan mạnh ở phía Bắc
Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát và lây lan mạnh tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt đã xuất hiện rất nhiều ca bệnh nặng bị sốc, suy đa tạng, viêm cơ tim, xuất huyết thể não, tỷ lệ tử vong gia tăng. Tại phía Bắc, đã xuất hiện nhiều bệnh nhân đi du lịch hoặc di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra mắc sốt xuất huyết nặng. Theo dự báo của các chuyên gia, tháng 8 sẽ là cao điểm của dịch sốt xuất huyết ở phía Bắc.
Nhiều ca sốt xuất huyết nặng từ phía Nam về
Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời điểm này tại Khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp tới khám sốt xuất huyết mỗi ngày, trong đó có một số ca bệnh sốt xuất huyết đi từ các tỉnh phía Nam về.
Nằm điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đến chiều 30/6 là ngày thứ 3, bé gái T.T.B.N. (7 tuổi, Nam Định) đã qua cơn nguy kịch, tiểu cầu đang có xu hướng lên dần. Theo người nhà cho biết, trước đó, cháu cùng gia đình đi chơi ở Bình Dương về. Trước khi nhập viện 4 ngày, cháu có triệu chứng sốt, đau đầu, tới ngày thứ 3 được đưa đến bệnh viện huyện khám, làm xét nghiệm cho kết quả cháu mắc sốt xuất huyết Dengue, sau đó gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Theo TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng Khoa Nhi, triệu chứng khi nhập viện của cháu có dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyến Dengue chuyển nặng như đau bụng nhiều ở vùng gan, gan to, xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam), tiểu cầu giảm nhanh.
“May mắn là cháu bé đã được phát hiện kịp thời mắc sốt xuất huyết Dengue từ tuyến dưới, khi chuyển lên đây mặc dù có dấu hiệu cảnh báo, song do được can thiệp và hỗ trợ kịp thời, điều trị đúng phác đồ, có đầy đủ thuốc, chế phẩm máu nên cháu không gặp nguy hiểm. Hôm nay là ngày thứ 7 của bệnh và là ngày thứ 3 nhập viện, cháu đã qua nguy kịch, ổn định và đang dần hồi phục”, BS Thúy cho biết.
Nằm cùng Khoa Nhi là bé gái T.M.T. cũng đi từ miền Nam ra hơn 1 ngày thì sốt cao liên tục, đau mỏi người, đau họng, ở nhà tự điều trị kháng sinh 3 ngày không hết sốt, có thêm đau bụng, gia đình cho bé đến phòng khám tư. Tại đây, phòng khám làm xét nghiệm thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, nghi cháu bị bệnh về máu nên đã chuyển cháu tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Cháu bé được làm đồng thời xét nghiệm kiểm tra bệnh lý máu và sốt xuất huyết, kết quả cháu mắc sốt xuất huyết và được chuyển ngay tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Qua đây cũng cảnh báo với những trường hợp đi từ vùng dịch tễ về mà bị sốt, nhất là ở các tỉnh phía Nam đang có dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết thì phải nghĩ ngay đến 2 bệnh này để làm xét nghiệm chẩn đoán kịp thời”, BS Nguyễn Thành Lê, Phó trưởng Khoa Nhi cho biết.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, theo PGS.TS Nguyễn Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, từ đầu tháng 6 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra và dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới.
Điển hình là bệnh nhân nữ, 66 tuổi quê ở Hà Nam, đi du lịch tại Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai và khi về quê 5 ngày thì xuất hiện sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc nam không rõ loại. Tại bệnh viện tuyến dưới, do không khai thác yếu tố dịch tễ nên bệnh nhân được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, có hạ tiểu cầu. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng diễn biến theo chiều hướng xấu, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng nặng.
Hay nam tài xế (38 tuổi) chạy xe đường dài từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn, từ nhà đã có biểu hiện sốt, khi đến Lạng Sơn thì sốt cao, kèm lên cơn co giật nên được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn và sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng rối loạn ý thức. Bệnh nhân được chọc dịch não tủy và làm xét nghiệm cho thấy có dương tính với sốt xuất huyết Dengue, tiểu cầu hạ. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy và chụp cộng hưởng từ sọ não thể hiện đây là trường hợp sốt xuất huyết có biểu hiện viêm não-màng não.
Cảnh giác dịch bùng phát vào tháng 8
Theo PGS Nguyễn Duy Cường, bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện viêm màng não là một biến chứng nặng, ít gặp. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Hiện nay miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch là các tỉnh miền Nam về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu… Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.
TS.BS Đặng Thị Thúy khuyến cáo, với trẻ nhỏ, triệu chứng sốt xuất huyết và các sốt khác khó phân biệt, sau khi sốt cao 1-2 ngày không đỡ, cha mẹ phải đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám. Dấu hiệu nặng và cảnh báo sốt xuất huyết Dangue như: Trẻ đang chơi mệt mỏi hơn, li bì, kích thích, vật vã, nôn nhiều, đau bụng (đặc biệt đau vùng gan bên phải có xu hướng tăng lên), đây là dấu hiệu nặng và nguy hiểm cho trẻ, cha mẹ cần phải cho con đến viện ngay.