Sản phụ phải truyền ối, tắc mạch do hậu COVID-19

Chủ Nhật, 24/04/2022, 10:15

Cạn ối ở sản phụ sau khi nhiễm COVID-19, hay bị tắc mạch do hậu COVID-19 là những triệu chứng thường gặp ở thai phụ và không thể coi thường bởi có nhiều người phải nhập viện trong tình trạng nặng.

Nhiều sản phụ vừa sinh con bình an sau một chặng đường đầy khó khăn điều trị hậu COVID-19 ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã òa khóc trong niềm vui làm mẹ. Khám hậu COVID-19 ở sản phụ ngoài ý nghĩa kiểm tra cơ thể đã hoàn toàn ổn định sau thời gian điều trị COVID-19 hay chưa, còn sàng lọc các bệnh lý mạn tính, tiềm ẩn có thể khởi phát bởi các đáp ứng viêm trong COVID-19.

Ngày 21/4, chúng tôi hẹn làm việc với TS.BS Nguyễn Thị Sim, phụ trách Trung tâm Can thiệp Bào thai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trò chuyện với chúng tôi được một lát, BS Sim nhận điện thoại lên đỡ đẻ cho sản phụ bị cạn ối và phải truyền ối vào buồng tử cung. Sản phụ bị cạn ối từ khi thai nhi được 24 tuần tuổi, nhờ kỹ thuật truyền ối vào buồng tử cung, thai nhi đã được cứu sống. Đến tuần thứ 38, sản phụ chuyển dạ sinh con.

BS Sim cho biết, có nhiều sản phụ bị hậu COVID-19 tới khám và được chẩn đoán cạn ối, phải truyền ối vào buồng tử cung. Mới đây nhất, Trung tâm Can thiệp Bào thai tiếp nhận điều trị cho một sản phụ bị cạn ối sau nhiễm COVID-19. Sản phụ mang thai ở tuần 24, khi nhiễm COVID-19 cũng hoàn toàn khỏe mạnh, không có những triệu chứng nặng nề. Vì thế, sản phụ chủ quan không đi khám mà chỉ đi kiểm tra thai kỳ theo lịch. Tuy nhiên, khi thai phụ đến khám 3 tuần sau nhiễm COVID-19, thai không tăng thêm trọng lượng. Làm siêu âm, các bác sĩ phát hiện sản phụ cạn ối, chỉ số D-dimer (chẩn đoán các bệnh lý huyết khối) rất cao, tăng gấp 7 lần so với người bình thường. "Trường hợp này dù có truyền ối cũng không thể điều chỉnh được cơ chế đông máu", BS Sim nói.

san phu.jpg -0
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội siêu âm cho thai phụ đến khám hậu COVID-19.

Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 tại Hà Nội có rất nhiều thai phụ đã dương tính, nhiều người đã chuyển nặng và nguy kịch rất nhanh do chưa tiêm vaccine. Có thai phụ dù đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng cũng vẫn chuyển nặng. Khi chủng Omicron xâm nhập và bùng phát, nhiều thai phụ đã tiêm đủ liều vaccine, nhiễm COVID-19 được hướng dẫn điều trị tại nhà. Tuy nhiên, do không được phát hiện sớm, một số bà bầu rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh khi "lâm bồn" do các biến chứng của COVID-19 đã biểu hiện trên toàn thân.

BS Sim cho hay, biến chứng nguy hiểm sau khi mắc COVID-19 của thai phụ là tắc mạch. Mới đây nhất, một sản phụ lên bàn mổ đẻ ở tuần 38, sức khỏe hoàn toàn bình thường sau nhiễm COVID-19, bất ngờ tím tái toàn thân vì bị tắc mạch. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu khẩn cấp để cứu được tính mạng sản phụ. Đây là một trong số những sản phụ gặp biến chứng nghiêm trọng do chủ quan không đi khám hậu COVID-19.

"Có những sản phụ sau ca mổ bắt con bất ngờ ngừng tim, tím tái toàn thân. Trước đó, sản phụ từng nhiễm COVID-19 triệu chứng nhẹ và không đi khám hậu COVID-19. Dù nhiễm COVID-19 nhẹ, nhưng khi cơ thể phản ứng lại sự tấn công của SARS-CoV-2 có thể gây ra tình trạng tắc mạch. Và khi can thiệp dùng thuốc trong mổ đẻ càng làm gia tăng nguy cơ tắc mạch cho sản phụ", BS Sim cho hay. Theo BS, việc tắc mạch có thể xảy ra ở nhiều cơ quan như não, tim, tắc động mạch tử cung. Bởi vậy, việc sinh nở với sản phụ từng nhiễm COVID-19 phải được theo dõi hết sức thận trọng để cấp cứu kịp thời. Để chuẩn bị cho một ca sinh nở ở những bà bầu từng mắc COVID-19, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã chuẩn bị một đội ngũ hồi sức cấp cứu để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra trong quá trình mổ bắt con hoặc sinh thường.

Qua thăm khám các sản phụ hậu COVID-19, BS Sim cho biết, có rất nhiều biến chứng xảy ra với thai phụ như rối loạn chức năng thận, men gan tăng cao gây ra khó ăn, nhói ngực do đau tim, đặc biệt là nguy cơ đái tháo đường. Vì vậy, các bác sĩ khi thăm khám phải siêu âm, thăm dò trên tử cung để xem quá trình nuôi thai thế nào, đi tìm các biến chứng trên thai nhi để xem xét có cần theo dõi chuyên sâu hay không. Từ những trường hợp cấp cứu nguy hiểm thời gian qua, bác sĩ Sim nhấn mạnh, việc chủ quan, không tái khám sau khi âm tính với COVID-19, thậm chí không xét nghiệm khi làm thủ tục sinh, đã bỏ qua việc tầm soát, sàng lọc phát hiện nguy cơ rất có giá trị sẽ gây ra nguy hiểm cho cả mẹ và con. Nguy cơ đối với nhóm phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh cao hơn nhiều khi nhiễm COVID-19. Nguyên nhân là nhóm này được xem như đang mang bệnh nền, khả năng miễn dịch kém, do đó nguy cơ mắc bệnh và bị tổn thương nhiều hơn.

Bên cạnh đó, sức khỏe của thai nhi, trẻ sơ sinh cũng là vấn đề được quan tâm đặc biệt khi mẹ mắc COVID-19. Một số bé có mẹ từng mắc COVID-19 gặp nhiều hơn các vấn đề liên quan tổn thương phổi, gan, rối loạn đông máu, loạn nhịp tim, tiêu chảy. Sau khi chào đời, các bé có thể khó thở hơn, sốt nhẹ, giảm tiểu cầu, chức năng gan rối loạn, nhịp tim nhanh, tràn khí màng phổi, có dấu hiệu nôn, khó tiêu... dù được xét nghiệm cho kết quả âm tính với COVID-19.

Khám hậu COVID-19 với các sản phụ đặc biệt quan trọng vì sản phụ cần được khám toàn diện, cần đo huyết áp, đánh giá các triệu chứng, nghe tim phổi, thăm dò máu, nước tiểu. Sau nhiễm COVID-19, phụ nữ mang thai, bà mẹ sau sinh thường cảm thấy lo âu, hoang mang, ngủ không ngon, từ đó rối loạn các chức năng trong cơ thể. Một số trường hợp nặng nề hơn có thể trầm cảm, rối loạn hành vi, thậm chí tự sát. Dù số lượng này không lớn, việc không làm chủ được vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn rất quan trọng và cần được lưu tâm. Theo BS Sim, việc hỗ trợ về mặt sức khỏe tinh thần cho thai phụ rất quan trọng, giúp các thai phụ giảm căng thẳng trong quá trình sinh nở, giảm trầm cảm sau sinh. 

BS Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm Khám và Điều trị sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội 2: Theo kết quả nghiên cứu, có 25% sản phụ bị ảnh hưởng tới sức khỏe trong giai đoạn hậu COVID-19. Đa phần trong số đó có triệu chứng như ho, hụt hơi, khó thở, mất ngủ… Thai phụ bị ảnh hưởng hậu COVID-19 kéo dài có thể không ảnh hưởng tới cấu trúc em bé trong bụng, song làm tăng nguy cơ bị thai lưu, tiền sản giật hoặc tăng nguy cơ thai chậm phát triển, đẻ non. Cụ thể, khi mẹ ho nhiều sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp oxy cho em bé, tăng áp lực ổ bụng, gây nguy cơ đẻ non. Hoặc khi yếu tố đông máu ở thai phụ tăng lên, làm giảm cung cấp máu cho em bé, làm thai chậm phát triển trong buồng tử cung. Với các trường hợp này, nếu được thăm khám sớm, bệnh viện đều có phác đồ điều trị toàn diện, đảm bảo tốt nhất sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Trần Hằng
.
.
.