Rét đậm, rét hại kéo dài, gia tăng người già, trẻ em nhập viện

Thứ Tư, 27/12/2023, 07:27

Những ngày qua, nhiệt độ tại các tỉnh miền Bắc giảm sâu, rét đậm, rét hại kéo dài làm gia tăng người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính phải nhập viện vì bệnh lý viêm phổi, khó thở, đột quỵ, sốt, ho, viêm họng, cúm…

Tăng gấp rưỡi người cao tuổi nhập viện

Sáng 26/12, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chật kín giường bệnh. Đợt rét đậm kéo dài đã khiến người già nhập viện tăng mạnh. Đặc biệt vào cuối tuần qua, do nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm cao, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến, gấp rưỡi so với ngày thường. Hiện tại, Khoa Hồi sức tích cực có 51 giường, nhưng cuối tuần đã tiếp nhận 56 bệnh nhân và phải từ chối tiếp nhận vì không còn giường nằm điều trị. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, phải thở máy và thở oxy.

Rét đậm, rét hại kéo dài, gia tăng người già, trẻ em nhập viện -0
Bộ Y tế khuyến cáo, thời tiết lạnh, nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp.

TS.BS Tạ Hữu Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực cho biết, người già nhập viện trong những ngày qua chủ yếu có tiền sử bệnh nền như đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, tai biến. Có trường hợp nằm dài ngày, nguy cơ nhiễm bệnh nặng, đặc biệt là viêm phổi cao trong những ngày giá rét. Những trường hợp nhập viện do tai biến mạch máu não là người có nguy cơ tăng huyết áp nhưng không được theo dõi, dẫn đến diễn biến nguy kịch.

Khoa Hồi sức tích cực vừa tiếp nhận cụ ông 96 tuổi, nhập viện trong tình trạng khó thở, nôn, sặc thức ăn vào phổi. Cụ ông đến viện trong tình trạng nặng, viêm phổi, chỉ số oxy thấp, phải đặt ống nội khí quản nhưng cũng qua khỏi. Xét nghiệm bạch cầu của người bệnh tăng rất cao, gấp 100 nghìn lần. Theo BS Ánh, trường hợp này ban đầu có biểu hiện rất nhẹ, nhưng do chủ quan, nhập viện muộn (4 ngày sau khi có triệu chứng) nên tình trạng diễn biến nhanh, các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu được.

Bác sĩ cũng cho biết, những đợt rét trước chỉ 2-3 ngày, người già còn sức chống đỡ, nhưng đợt rét này kéo dài, nhiệt độ giảm sâu, khiến sức đề kháng của người cao tuổi suy giảm. Với người già, triệu chứng bệnh không điển hình, nhưng kèm theo vài bệnh nền, gặp thời tiết không thuận lợi sẽ thúc đẩy tình trạng bệnh nặng nhanh và điều trị cũng khó khăn hơn. Các bệnh nhân cao tuổi cũng tránh rét nên tái khám không đúng hẹn, hoặc nghĩ mình không có bệnh nên chủ quan ở nhà. Vì thế, khi tới viện, bệnh đều có diễn biến nặng hơn. Đặc biệt, có trường hợp sau tai biến, do có bệnh mạn tính nhưng không chú ý, chỉ có biểu hiện ho khò khè, nên trì hoãn đi khám, khi tới viện thì bệnh trở nặng.

Những khuyến cáo phòng bệnh do giá rét 

Trong tuần qua, một số địa phương nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C, đặc biệt ở một số vùng núi của các tỉnh như Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Quảng Ninh chỉ 3-5 độ C và kéo dài khiến cho sức chịu đựng của con người kém đi, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn tấn công. Số ca đột quỵ do tai biến mạch máu não vào cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tăng đột biến 15 ca chỉ trong 3 ngày nhiệt độ giảm sâu. Phòng khám Nhi của bệnh viện ghi nhận số trẻ đến khám vì viêm đường hô hấp, viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm phổi và cúm tăng.

Theo BS Nguyễn Thị Mai Sang, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện khoa đang điều trị cho gần 100 trẻ, tăng cao hơn so với cuối tháng 11 và đầu tháng 12. Phần lớn các cháu mắc bệnh lý đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, cúm A và B, sốt virus. Đa số trẻ nhập viện với biểu hiện ban đầu thở khò khè, một số sốt cao, suy hô hấp. Với bệnh nhi có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Theo Bộ Y tế, rét đậm, rét hại những ngày qua đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, người lao động. Thời tiết lạnh gây thêm gánh nặng cho tim, do vậy người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên, kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp. Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sỹ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, nhất là những người có nguy cơ cao  hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt từ 9h đêm đến 6h sáng. Khi ra ngoài, người dân nên trang bị đủ ấm che chắn được gió lùa; luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi đi ngủ. Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không uống rượu bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máy gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tới tính mạng. Vệ sinh miệng, họng sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng; ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét.

Trần Hằng
.
.
.