Rét đậm, nhiều người già, trẻ em nhập viện

Thứ Ba, 11/01/2011, 16:40
Đợt rét đậm đang diễn ra khiến nhiều căn bệnh có cơ hội phát triển, đặc biệt là ở người già và trẻ em, vì thế, lượng bệnh nhân tăng đáng kể ở nhiều bệnh viện, tập trung ở Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Lão khoa TW, Bệnh viện Nhi TW…

Rét đậm, không thể chủ quan

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Bệnh viện Lão khoa TW, cho hay: Những ngày qua, lượng bệnh nhân vào Bệnh viện Lão khoa TW khám bệnh tăng tới 50% và số người vào điều trị tăng 20%, chủ yếu là các bệnh hô hấp, tim mạch, tăng huyết áp, cơ xương khớp. GS Nguyễn Lân Việt, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cũng cho biết: Thời tiết lạnh kéo dài đã làm tăng số lượng bệnh nhân nhập Viện Tim mạch, vì biến chứng của tăng huyết áp, trong đó có bệnh nhân biến chứng nặng như đột quỵ, phình mạch máu não, tắc mạch máu não gây hôn mê.

Điều lo ngại là nhiều người bị tăng huyết áp cao đột ngột vì rét đậm, nhưng lại tưởng nhầm là trúng gió nên đã cho nhập viện chậm, dẫn đến bị tai biến mạch máu não. Cũng có nhiều người nghĩ bệnh huyết áp chỉ cần điều trị một đợt, nên đã không khống chế được bệnh, dẫn đến đột quỵ.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi TW, rét đậm những ngày qua đã khiến lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp tăng mạnh, chủ yếu là sổ mũi, viêm phế quản, viêm phổi.

Ông Vũ Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty MEDTECH - Bệnh viện Tràng An, cũng thông báo số lượng bệnh nhân vào Bệnh viện Tràng An tăng khoảng 10%, chủ yếu là người già và trẻ em. Đáng chú ý là đều ở tình trạng bệnh nặng, nhiều trường hợp phải mời bác sĩ đến tận nhà chữa trị.

Theo bác sĩ Phạm Đức Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, lượng người bệnh đến khám và điều trị ở bệnh viện chủ yếu là bệnh tai mũi họng, hô hấp, viêm tai giữa, viêm xương chũm, cũng ở mức độ nặng, vì bị ảnh hưởng do thay đổi thời tiết.

Để phòng tránh những bệnh thường dễ phát triển khi trời lạnh, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh: Khi trời lạnh, người cao tuổi cần chú ý ăn uống đủ chất và ấm nóng. Không nên ra ngoài trời lạnh hay đột ngột từ phòng ấm ra ngoài trời lạnh cũng như chỉ nên ra khỏi nhà khi trời đã có nắng hoặc ấm lên. Người già cần đặc biệt giữ ấm cơ thể, nhất là chân, đầu và cổ. Có thể giữ ấm chân bằng cách ngâm nước nóng, đi tất và phải thay tất khi chân bị ra mồ hôi. Những người có bệnh mạn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hằng ngày và đo huyết áp thường xuyên.

Với trẻ em, bác sĩ Tất Đạt, chuyên khoa hô hấp ở Bệnh viện Nhi TW, chia sẻ kinh nghiệm: Để phòng tránh bệnh cho trẻ khi trời lạnh, cần phải chú ý giữ ấm, nhất là với trẻ sơ sinh, bằng việc đảm bảo không khí ấm áp trong phòng, giữ ấm miệng, mũi, cổ và chân cho trẻ. Nhưng không nên sử dụng than đá, than củi sưởi ấm cho trẻ vì rất độc. Việc vệ sinh mũi, họng bằng cách nhỏ nước muối và vệ sinh sau khi trẻ ăn cũng rất cần thiết. Chú ý rửa tay sạch, tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc trẻ lớn hoặc người lớn đang bị cảm ho. Khi trẻ bị ho kéo dài, cần đưa trẻ đến phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ can thiệp.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước diễn biến bất thường của thời tiết làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khoẻ nhân dân, nhất là khi Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TW còn cho biết, những ngày tới, nhiệt độ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ tiếp tục giảm với 2 đợt gió mùa đông bắc tăng cường, ngày 10/1, Bộ Y tế đã có Công văn 15/KCB-NV chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống rét cho nhân dân và cho người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB).

Để giảm thiểu tác hại do rét đậm rét hại kéo dài, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khám, chữa bệnh KCB có trách nhiệm quan tâm tuyên truyền cho nhân dân về phòng chống rét, đặc biệt là người già và trẻ em, với khuyến nghị: Nhà cửa phải được che chắn kỹ, chăn đệm phải đảm bảo đủ ấm, phải mặc quần áo đủ ấm trước khi đi ra ngoài. Các đơn vị y tế cũng cần lên tiếng cảnh báo nhân dân về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín, hay bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do đèo xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm...

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở KCB phải chăm lo, đảm bảo chống rét cho người bệnh trong quá trình KCB, hay ở nơi xếp hàng chờ khám, ở các buồng khám bệnh, buồng điều trị người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, lò sưởi, phương tiện đảm bảo cho người bệnh được giữ ấm trong thời gian KCB tại bệnh viện.

Ngoài ra, để chủ động với bệnh tật trong đợt rét, các cơ sở KCB đảm bảo bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp do các loại virus đường hô hấp gây ra do thời tiết rét đậm rét hại và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém v.v…

Đợt rét đậm vẫn chưa dừng. Người dân cần thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành Y tế, vì đó là điều rất quan trọng để không phải vào viện vì ảnh hưởng của thời tiết do thiếu hiểu biết

Thanh Hằng
.
.
.