Quảng Nam “cảnh báo đỏ” về dịch sốt xuất huyết Dengue
Là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue cao nhất khu vực miền Trung, do đó Quảng Nam đang trong tình trạng “cảnh báo đỏ” về dịch bệnh; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch SXH lan rộng.
Quảng Nam là địa phương có ca bệnh SXH gia tăng mạnh trong những tuần gần đây. Số mắc SXH Dengue tích lũy và số mắc SXH Dengue trên 100.000 dân của tỉnh Quảng Nam năm 2022 rất cao và cao nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Hiện tất cả các huyện, thị xã, thành phố tại tỉnh Quảng Nam đã vượt mức 150 ca SXH Dengue/100.000 dân, là chỉ tiêu của khu vực miền Trung. Các ca bệnh SXH Dengue tập trung cao nhất ở khu vực đồng bằng.
Những ngày này, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có hàng chục bệnh nhân mắc SXH nhập viện. Ông Trần Công Ân, Giám đốc BVĐK Vĩnh Đức cho biết, bệnh nhân SXH đến thăm khám, nhập viện đông kể từ đầu tháng 10/2022, đặc biệt từ cuối tháng 10 đến nay, bệnh nhân SXH đến bệnh viện thăm khám, điều trị tăng cao đột biến.
Trung bình mỗi ngày BVĐK Vĩnh Đức tiếp nhận khoảng 30% ca bệnh cấp cứu là bệnh nhân SXH. Hiện BVĐK Vĩnh Đức có 450 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó 100 bệnh nhân bị mắc SXH đến từ các địa phương như thị xã Điện Bàn, TP Hội An, huyện Duy Xuyên.
Đang chăm sóc con gái năm nay 8 tuổi bị SXH điều trị tại khoa Nhi BVĐK Vĩnh Đức, chị Võ Thị Hà (trú phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn) chia sẻ, khi thấy con bị sốt, chị đã mua thuốc hạ sốt về uống nhưng 5 ngày liền không thấy thuyên giảm nên ngày 7/11 đã đưa cháu đến BVĐK Vĩnh Đức thăm khám và được các bác sĩ cho biết phải nhập viện điều trị.
Theo ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, số ca mắc tính đến ngày 1/11/2022 là 13.713 ca, tăng gấp 20,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số mắc SXH Dengue/100.000 dân là 917 ca, đứng đầu khu vực miền Trung.
SXH Dengue đã phân bố cả ở các vùng núi và trung du, nơi có khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế kém hơn, việc đáp ứng với dịch tại các khu vực này sẽ kém hơn so với vùng đồng bằng. Do đó, tại các địa phương niền núi và trung du, chính quyền cần quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời cho y tế và chống dịch; hỗ trợ đơn vị điều trị, tránh để trường hợp nặng do SXH Dengue gây hậu quả xấu.
“SXH Dengue đang rất nguy hiểm và diễn biến chuyển nặng nhanh. Đặc biệt trong ngày 24/10/2022 đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH Dengue tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam. Vì vậy, toàn xã hội cần quan tâm, cảnh giác, tránh lơ là với bệnh SXH Dengue trong tình hình hiện nay. Nhanh chóng thực hiện mục tiêu xã hội hóa bệnh SXH Dengue bằng nhiều giải pháp, hình thức. Bên cạnh đó, chính quyền cần quan tâm hơn nữa, chỉ đạo hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh SXH Dengue”, ông Trần Văn Kiệm thông tin và khuyến nghị thêm.
TS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, tỉnh đã chỉ đạo UBND cấp huyện ký cam kết với UBND cấp xã, các phòng, ban liên quan; UBND cấp xã ký cam kết với từng thôn, tổ, người dân và huy động các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/ bọ gậy.
Quảng Nam đã thành lập được gần 2.600 đội xung kích diệt lăng quăng/ bọ gậy; triển khai mạnh mẽ chiến dịch vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền qua vết đốt của muỗi vằn mang virus gây bệnh (giống muỗi Aedes aegypti). Bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa mưa, chủ yếu tập trung tại những khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của muỗi. Trước đây, trẻ em là đối tượng chủ yếu mắc SXH Dengue, nhưng hiện tại rất nhiều trường hợp người lớn cũng mắc bệnh và nguy cơ tử vong khá cao.
Cho đến nay, chưa có thuốc đặc trị SXH Dengue. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể tự khỏi sau khoảng một tuần. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị bệnh chủ yếu là hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực..